Dù khẳng định không tăng giá do các ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí (OTT), nhưng nhờ việc tăng cước, các nhà mạng đang đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn đầu tư. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc rút ngắn thời gian khấu hao chỉ còn khoảng ba năm để tăng giá thành lên, rồi tăng giá bán lẻ là trái với quy luật kinh tế và chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Đầu tư 27.700 tỷ đồng, khấu hao 3 năm!
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) khi phản biện quyết định cho nhà mạng tăng cước 3G cho rằng có sự mâu thuẫn lớn bởi Cục Viễn thông viện dẫn cái cớ để tăng cước 3G do giá bán chỉ bằng khoảng 54% giá thành dịch vụ nhưng lại cho doanh nghiệp khấu hao nhanh toàn bộ vốn đầu tư (khoảng 27.700 tỷ đồng) chỉ trong vòng 2-4 năm. Theo Vafi, đại bộ phận doanh nghiệp trong nước phải thực hiện chế độ khấu hao chậm nhưng Viettel, MobiFone và Vinaphone xung phong áp dụng chế độ khấu hao cực nhanh, dĩ nhiên là đẩy giá thành dịch vụ lên rất cao. Việc cho doanh nghiệp khấu hao cực nhanh không chỉ khiến việc tăng giá cước nghe có vẻ hợp lý mà còn làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập của các nhà mạng.
Một cửa hàng bán USB 3G và sim 3G trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ở những ngành công nghệ nhanh lạc hậu và người tiêu dùng không tiếp tục sử dụng thì vẫn có những nhà quản trị đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn đầu tư. Nhưng trường hợp này chỉ có thể tồn tại và được chấp nhận ở những ngành có sự cạnh tranh giữa nhiều nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Khi một doanh nghiệp đẩy nhanh thu hồi vốn bằng cách nâng cao giá bán, người tiêu dùng có thể chấp nhận, hoặc không chấp nhận và có sự lựa chọn khác. “Nhưng thị trường viễn thông VN, việc đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn trong thời gian ngắn là không chấp nhận được. Bởi chỉ có ba nhà mạng nắm vị thế thống lĩnh thị trường. Người tiêu dùng không được lựa chọn” - ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký VAFI, cho biết ở những dịch vụ công ích, dịch vụ đại chúng ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng, các nước thường phải 10-12 năm mới thu hồi vốn, chứ không phải giá thành xây dựng dựa trên mức khấu hao chỉ 2-3 năm. “Các nhà mạng và cả cơ quan quản lý không minh bạch. Họ cứ kêu bán dưới giá thành, kêu lỗ, nhưng hỏi lỗ bao nhiêu thì không trả lời được. Tôi cho rằng họ có lời tới vài chục ngàn tỷ đồng như thế, có tiền mang đầu tư vào ximăng, vào ngân hàng, vào bất động sản... thì không lỗ được đâu. Tiền đó là tiền từ dịch vụ độc quyền và thu từ người tiêu dùng chứ ở đâu ra nữa?” - ông Hải nhấn mạnh.
Thực tế, trả lời phỏng vấn phóng viên về cước 3G, đại diện MobiFone - một nhà mạng có thị phần chi phối ở dịch vụ 3G - đã không thể cung cấp được thông tin về doanh thu của dịch vụ 3G trong những năm qua. Bản thân MobiFone kêu lỗ nhưng lại không cung cấp được họ đã lỗ bao nhiêu ở dịch vụ 3G.
“Bật đèn xanh” tiếp tục tăng giá cước?
Hiện cả nước có bốn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3G. Tuy nhiên, thị phần gần như nằm trong tay Viettel, MobiFone và Vinaphone. Các nhà mạng này nắm vị trí thống lĩnh thị trường, thiết kế các gói cước thông dụng với giá cả và dung lượng tương đối giống nhau nên người tiêu dùng gần như không có sự lựa chọn. Trong phản biện về quyết định cho tăng cước 3G của Bộ Thông tin và truyền thông, VAFI cho biết theo điều tra sơ bộ, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của ba nhà mạng trên tăng liên tục vì ở vị thế kinh doanh độc quyền. Năm 2012, doanh thu mảng dịch vụ di động của cả ba nhà mạng ước khoảng 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. Đáng nói, nguồn lợi nhuận này được để tại doanh nghiệp vì ba doanh nghiệp này vẫn chưa phải đóng một xu cổ tức nào về cho Nhà nước.Thế nhưng, thông tin từ cuộc họp tổng kết về ngành viễn thông vào ngày 13/12 cho thấy cơ quan quản lý ngành này là Bộ Thông tin và truyền thông vẫn “kiên định” với việc hỗ trợ cho các nhà mạng tăng cước 3G, bất chấp những bức xúc vì bị “móc túi” khi cước 3G có gói sau khi tăng đã bằng hơn 400% so với cước cũ. Lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá cao hoạt động điều chỉnh cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có 3G, và đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường và mặt bằng chung giá khu vực!
Theo ông Đinh Thế Hiển, việc tăng cước 3G của các nhà mạng được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt là điều khó hiểu. “Nhờ độc quyền, tỉ suất lợi nhuận của họ cao hơn rất nhiều so với các công ty ở những ngành nghề khác. Giá cả thì cho doanh nghiệp được thả nổi thị trường nhưng lại ở một thị trường độc quyền, thậm chí còn hậu thuẫn cho doanh nghiệp tăng giá là một sự quản lý nửa vời” - ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng các nhà mạng ở VN được quá ưu ái. Tài nguyên viễn thông gần như được cho không, doanh nghiệp cứ thế mà khai thác, trừ khoản tiền ký quỹ phải nộp. Trong khi ở một số nước, có khi còn đấu thầu dịch vụ 3G, rồi thu thuế tài nguyên, nhà nước thu về hàng tỷ USD.
Lãi lớn
Theo thông tin do doanh nghiệp công bố, trong năm 2012 lợi nhuận của Viettel lên đến 27.000 tỷ đồng. Năm 2013, theo ước tính, con số lợi nhuận trước thuế của Viettel có thể tiếp tục tăng mạnh, lên đến 34.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là MobiFone, lợi nhuận trong năm 2012 vào khoảng 6.600 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2013, lợi nhuận của Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT), trong đó MobiFone và Vinaphone là chủ lực, đạt mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2012.