Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch sởi ám ảnh người dân

Không chỉ mất con, hằng đêm, nhiều người mẹ luôn sợ hãi vì đã chứng kiến hàng loạt cái chết của các bệnh nhi mắc sởi.

“Cả 12 cháu nhỏ nằm điều trị cùng con tôi ở phòng 228 của Khoa Truyền nhiễm - bệnh viện (BV) Nhi trung ương đều chết cả. Ở khoa này, đêm nào cũng có trẻ chết. Có đêm, tôi chứng kiến 5-7 cháu nhỏ ra đi. Đau xót lắm!”, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn 2, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) nghẹn ngào kể.

Xin chết để con được sống

Gần 1 tháng trước, cháu G.H., con trai duy nhất của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa - mới được 13 tháng tuổi đã qua đời vì suy hô hấp và mắc bệnh sởi.

“Cháu đang bập bẹ tập nói và ngoan lắm! Vợ chồng tôi cưới nhau 16 năm mới sinh được mụn con trai, cháu vào BV Nhi trung ương 12 ngày thì mất. Nếu chết thay con được thì tôi cũng xin chết”, chị tâm sự.

Chị Hoa kể rằng khi thấy H. nổi mấy cái nốt ở trong miệng và cổ, vợ chồng chị đã đưa cháu đến BV Nhi trung ương. Các bác sĩ xác định H. bị sởi. Cháu điều trị ở Khoa Truyền nhiễm được 9 ngày thì sởi tan hết và được cho về. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, cháu nhập viện trở lại vì khó thở. Các bác sĩ nói cháu đã bị sởi ăn vào phổi, suy hô hấp...

Bệnh nhi sởi biến chứng nặng đang điều trị tại BV Bạch Mai.
Bệnh nhi sởi biến chứng nặng đang điều trị tại BV Bạch Mai.

Tại một góc hành lang Khoa Nhi,BV Bạch Mai, chị B. (32 tuổi) thẫn thờ, lặng đi rồi òa khóc mỗi khi nhắc đến sự sống mong manh của cậu con trai đang phải chống chọi với bệnh sởi.

Vợ chồng chị lấy nhau gần 7 năm mới có con. Dù chỉ buôn bán lặt vặt nhưng ai mách phương thuốc gì để có con, chị cũng dồn tiền để chạy chữa rồi nuôi hy vọng. Cách đây hơn 1 năm, có khoản tiền kha khá, vợ chồng chị lên BV Phụ sản Trung ương làm thụ tinh ống nghiệm.

Gần 9 tháng sau, cháu trai A. nặng 2,7 kg và cháu gái L. nặng 1,3 kg chào đời trong niềm hạnh phúc khôn cùng của cả 2 bên nội ngoại.

Thế rồi, hơn 1 tháng trước, cháu gái bị viêm phổi phải vào BV Nhi trung ương điều trị. Hai tuần sau, bé trai bị sốt cao, kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị sởi. Chiều 21/3, bác sĩ thông báo con gái chị B. đã tử vong.

Về Hưng Yên chôn cất đứa con gái bé bỏng nhưng cũng chẳng thể ở nhà thắp cho con nén hương, vợ chồng chị lại tất tả lên Hà Nội lo cho cậu con trai đang chống chọi với bệnh sởi. Cả nhà 4 - 5 người đã bám trụ ở BV 2 tháng rồi để cầu mong một phép màu sẽ đến với cháu.

Không dám cho trẻ đi học

Trước tình hình dịch sởi lan rộng, nhiều phụ huynh ở xã Ninh Hiệp đã không cho con đến trường. Bà Nguyễn Thị Vân (ngụ thôn 4) quyết định cho đứa cháu ngoại 5 tuổi ở nhà mấy ngày nay. “Dịch nguy hiểm như thế, bao nhiêu cháu mắc sởi mà chết, sợ lắm! Thôi, tôi cứ cho cháu nó nghỉ ở nhà cho nó lành”, bà Vân giải thích.

Bà Trịnh Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Hiệp, khẳng định đến nay, trường chưa có cháu nào mắc sởi nhưng mỗi ngày có khoảng 100 cháu nghỉ học vì bị ốm thông thường và do phụ huynh không yên tâm khi gửi con đi học.

“Có một số cháu bị ốm nhưng do sốt virus, viêm hô hấp chứ không phải do sởi. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho phụ huynh để họ an tâm nhưng nhiều người vẫn sợ và quyết cho con nghỉ học”, bà Chính băn khoăn.

Ông Nguyễn Thọ Hào, Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Hiệp, cho hay xã tuy chỉ có vài trường hợp nghi bị sởi hiện điều trị ở BV tuyến trên nhưng “dịch sởi đang làm nhiều người dân sợ và lo lắng”.

“Suốt 3 tháng qua, nhân viên Bệnh viện phải gồng sức làm việc với mong muốn duy nhất là cứu chữa cho các cháu. Có những hôm, chứng kiến nhịp thở của các cháu cứ tắt dần, tắt dần dù bác sĩ đã cố gắng hết sức cũng không cứu nổi, gần như ai cũng kiệt sức, muốn bật khóc”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai thổ lộ.

 

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dich-soi-am-anh-nguoi-dan-20140423224713183.htm

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm