Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu sớm dập tắt dịch sởi

Họp khẩn với Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngành Y không thiếu vắc xin hay máy móc phương tiện để chữa sởi.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng tại cuộc họp khẩn chiều 23/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã cử 5 đoàn công tác đi chống dịch. Theo Bộ trưởng Tiến, hiện, vắc xin sởi của Việt Nam không thiếu, vấn đề là dùng thuốc nào tốt nhất cho bệnh nhân nghèo.

“Vắc xin được sản xuất tại Việt Nam trên nền công nghệ của Nhật chuyển giao. Thậm chí, một số nước còn đề nghị chúng ta xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về vấn đề dự trữ vật tư trong điều trị sởi, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các máy điều trị hiện đều rất tốt và sẽ cho xuất kho hết để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành Y tế không thiếu thuốc "xịn" và máy móc tốt để chữa sởi. Ảnh: Lê Hiếu.

Nói về hiện tượng người dân bỏ tiêm sởi do sợ tai biến khiến tình trạng dịch lan rộng và diễn tiến nguy hiểm, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Cuối năm ngoái, các phường xã đã treo băng rôn, loa đài gọi các cháu đi tiêm sởi, mời tận nhà nhưng không ai đi tiêm. Vừa rồi xảy ra dịch thì họ bắt đầu đưa các cháu đi tiêm nên gây ra tình trạng quá tải”.

Theo Bộ trưởng Tiến, trên 93% bệnh nhân sởi tử vong tập trung điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cơ sở y tế này đã quá tải cục bộ, công tác phòng lây nhiễm chéo bị hạn chế… Hiện, số ca tử vong tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn nhiều bé thể nặng.

Hà Nội không thiếu tiền để chống dịch

Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, từ đầu năm đến nay Hà Nội có 1.339 bệnh nhân phân bổ 584 xã phường thị trấn của các quận huyện thị xã. Hiện tại vẫn còn 766 bệnh nhân, trong đó nằm viện 511 bệnh nhân, còn lại điều trị tại nhà và đã có 54 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Theo nhận định của đại diện thành phố, số ca sởi mắc mới đang có chiều hướng giảm. Người dân đã ý thức về việc tiêm phòng khiến số người đi tiêm chủng đang “xếp hàng không đủ số”.

Thể hiện quyết tâm trong việc dập tắt dịch sởi, vị Phó chủ tịch cho biết, Hà Nội đã phân bổ 75 tỷ đồng hỗ trợ dập dịch. “Hà Nội sẽ cố gắng cao nhất, không tính toán bao nhiêu. Thiếu máy mua máy, thiếu thuốc mua thuốc, nếu còn thiếu chúng tôi tiếp tục chi tiếp”, ông Khanh nói.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, còn sởi, còn chi. Ảnh: Lê Hiếu.

Chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng nêu yêu cầu cấp bách lúc này là phải dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt.

Dù tình hình dịch có xu hướng bớt căng thẳng, song với số người mắc còn lớn, Thủ tướng giao Bộ Y tế, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, tập trung giám sát, hạn chế thấp nhất tử vong do sởi. Trong công tác phòng chống không được để người dân hoang mang, lo lắng. 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả các biện pháp chống lây nhiễm chéo cũng như đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc men, phương tiện cho công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, nắm tình hình cũng như thông tin tuyên truyền; thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ... tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế tại phiên họp, dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Đến ngày 23/4 cả nước đã ghi nhận 3.569 trường hợp mắc trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Trong số ca mắc thì Hà Nội chiếm tới 37%.

Cả nước hiện có 119 người đã tử vong có liên quan đến sởi, Hà Nội có 54 ca. Nguyên nhân tử vong do bị mắc sởi trên bệnh lý nền như suy tim, nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh, bại não, bạch cầu thấp…Hầu hết các ca mắc không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin.

Theo Bộ Y tế, dịch đã chững lại, không có thêm diễn biến bất thường. Tuy nhiên, tại hội nghị về chuyên môn ngày 22/4 với sự tham gia của hàng trăm bệnh viện, các bác sĩ trực tiếp điều trị lại nhận định rằng, bệnh sởi năm nay có diễn biến rất lạ.

PGS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, thông thường sau khi sởi phát ban, trẻ mới bị các biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, năm nay, virut sởi tấn công thẳng vào phổi, gây viêm phổi, suy hô hấp với diễn tiến bệnh rất nhanh. Đây là hiện tượng lạ và rất nguy hiểm. 

Các bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân cũng vô cùng hoang mang bởi có những trẻ mắc sởi nặng phải hỗ trợ thở máy, sau đó tình trạng tốt lên, cai được máy thở. Tuy nhiên, ngay sau đó, trẻ lại tiếp tục phải thở máy và tử vong.

 



Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm