Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM sáng 11/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã báo cáo về tình hình các ổ dịch tại TP.HCM.
Đánh giá tình hình, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định chùm ca bệnh liên quan nhóm truyền giáo tại quận Gò Vấp bùng phát mạnh, lây lan nhanh.
"Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, lây lan nhanh trong cộng đồng, và đặc biệt làm tổn thương những người trẻ tuổi, không có bệnh nền", ông Bỉnh cho biết.
Ổ dịch ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát
Do số lượng thành viên nhóm truyền giáo nhiều, khó tiếp xúc, khai báo chưa đầy đủ từ đầu nên công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài. Tuy đã xuất hiện 4 ca bệnh trong khu công nghiệp nhưng TP chưa ghi nhận lây lan.
Bên cạnh đó, TP ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ mới, phát hiện rải rác trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ giãn cách xã hội, ông Bỉnh đánh giá nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan do tiếp xúc gần của người cùng gia đình hoặc trong xóm.
"Nguồn gốc ca bệnh có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước hoặc có người tiếp xúc các ca bệnh, đi qua vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ", lãnh đạo Sở Y tế đánh giá.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm ở công ty PouYuen. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chuỗi ổ dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng từ 26/5 đến nay có 441 ca nhiễm. Từ đây, ngành y tế ghi nhận thêm nhiều nhánh gây nhiễm khác.
Thứ nhất là nhánh khách sạn Sheraton đã có 12 ca mắc, trong đó có 1 F0, 8 F1 và 2 F2. Người mắc bệnh là đầu bếp, nhân viên phục vụ. Từ 31/5 đến nay không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, ông Bỉnh nhận định nhánh này "cơ bản được kiểm soát".
Thứ hai là chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang có 63 ca nhiễm, gồm 1 F0, 5 F1 và 35 F2. Từ đây lây lan ra tỉnh Bình Dương và một ổ dịch khác tại khu nhà trọ ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Ổ dịch này cũng đã cơ bản được kiểm soát.
Thứ ba là trường mầm non song ngữ Kid Town có 29 ca mắc, có 1 F0, 8 F1, 9 F2, 7 F3 và 6 F4. Từ đây lây lan ra Bạc Liêu (1), Long An (3), Đồng Tháp (1). Nhánh này cũng cơ bản được kiểm soát.
Thứ tư là khu nhà trọ ở hẻm Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp có 23 ca, gồm 1 F0, 11 F1, 6 F2, 5 F3. Ngày ghi nhận ca bệnh gần nhất là 6/6. "Ổ dịch này đã được phong tỏa nên ít có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng", ông Bỉnh cho biết.
Thứ năm là công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS có 50 ca mắc, gồm 1 F0, 9 F1, 12 F2 và 2 F3. Từ chuỗi lây nhiễm này phát sinh ra ổ dịch tại tòa nhà SAMCO (quận 1) với 5 ca. Tòa nhà này đã được phong tỏa, đang tiếp tục truy vết.
Thứ sáu là Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN có 91 ca, gồm 1 F0, 72 F1, 16 F2 và 2 F3. Ổ dịch này cũng cơ bản được kiểm soát, ca gần nhất phát hiện trong cộng đồng là ngày 3/6.
Trong chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo có 4 ca làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, các ca này chưa ghi nhận có lây lan.
Phát hiện nhiều "F0 lang thang" từ khám sàng lọc
Ngoài chuỗi lây nhiễm kể trên, TP.HCM phát hiện 48 bệnh nhân qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám. Trừ bệnh viện Tân Phú có lây nhiễm trong bệnh viện, các cơ sở khác không ghi nhận lây nhiễm ở cơ sở y tế.
Đây đều là các ca bệnh xuất hiện từ những ổ dịch mới, không liên quan đến chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo. Ngành y tế đang tích cực truy vết, xác định nguồn lây các ổ dịch này.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: HMC. |
Cụ thể, ngành y tế ghi nhận một ổ dịch tại xưởng cơ khí Hóc Môn. Tối 8/6 ghi nhận 6 bệnh nhân khám sàng lọc tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trưng Vương, và Bệnh viện huyện Bình Chánh. Qua truy vết, TP phát hiện 25 ca bệnh, trong đó, 3 người làm việc tại Công ty SAMHO. Tất cả ca nhiễm có quan hệ gia đình, hàng xóm.
Ổ dịch tại chung cư Ehome (Bình Tân) có 14 ca bệnh, phát hiện từ một trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City (5/6) và Bệnh viện Triều An (7/6). Từ đây, ngành y tế phát hiện 14 ca bệnh khác, một công nhân làm việc tại công ty PouYuen. Hiện, ổ dịch đang được kiểm soát.
Ngoài ra, ngành y tế ghi nhận ổ dịch tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, có 6 bệnh nhân; ổ dịch tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn, có 10 bệnh nhân.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Từ 27/5 đến hết 10/6, ngành y tế đã lấy hơn 482.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và mở rộng xét nghiệm.
Về xét nghiệm giám sát mở rộng tại các cơ sở sản xuất, lao động, TP.HCM đã xét nghiệm hơn 53.000 công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đến nay, TP chưa phát hiện người mắc bệnh.
TP.HCM đang có 1.000 máy thở
Theo ông Bỉnh, thành phố đang triển khai 6 khu cách ly tập trung với công suất 5.500 giường. Ngoài ra, có 51 khu cách ly tập trung khách sạn với hơn 5.000 giường và tiếp tục thẩm định, triển khai thêm các khách sạn để cách ly có thu phí. 2 khu cách ly quân đội với 678 giường.
Khu cách ly tập trung mỗi quận, huyện cũng được mở rộng lên 200 giường (riêng TP Thủ Đức 600 giường).
Về năng lực xét nghiệm, ông Bỉnh cho biết đã huy động lực lượng toàn ngành y tế, có ngày cao điểm đạt 100.000 mẫu/24h. TP phát huy hết công suất xét nghiệm của các cơ sở y tế thành phố và phối hợp với Trung ương, bệnh viện tư. Ngành y tế đang nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo mỗi 300 giường có một hệ thống xét nghiệm Realtime - PCR.
Giám đốc Sở Y tế cho biết ngành y tế đang xây dựng phương án chống dịch với 5.000 ca nhiễm. TP đã phân công 7 bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường bệnh, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở tại các cơ sở: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. TP.HCM cũng đang triển khai thêm các bệnh viện dã chiến 3.000 giường.
Về tiêm vaccine Covid-19, từ ngày 3/6, TP đã tiêm vaccine Covid-19 đợt 3 với 71.900 liều, dự kiến hoàn tất vào ngày 15/8. Đến nay, TP đã tiêm cho hơn 6.000 người là nhân viên y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, sinh viên, giáo viên hỗ trợ phòng chống dịch và nhân viên khu cách ly.
Công nhân tại công ty PouYuen chờ lấy mẫu xét nghiệm, đi cách ly tập trung. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông Bỉnh cho biết những những ngày đầu, cao điểm TP ghi nhận trung bình 49 ca bệnh/ngày. Sau 10 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca mới chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa. Từ 6/6 đến 10/6, trung bình mỗi ngày phát hiện 41 ca, chủ yếu trong khu vực đã khoanh vùng.
"Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm qua ổ dịch điểm nhóm Hội thánh đã được kiểm soát", ông Bỉnh đánh giá.
Dựa vào thời gian ủ bệnh 14-21 ngày, trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã kiểm soát. TP cần tận dụng những ngày giãn cách tiếp theo để kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Ông Bỉnh cho biết sau 15 ngày giãn cách xã hội, ngành y tế sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Từ ngày 27/4 đến tối 10/6, TP.HCM đã ghi nhận 562 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, thành phố ghi nhận một ca tử vong là BN5463 và một ca nghi nhiễm nCoV ở Gò Vấp tử vong trên đường chuyển viện đêm 7/6.
Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.