Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, các phó thủ tướng về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết tại Trung Quốc, các địa phương tiếp giáp với Việt Nam không có ca nhiễm mới. Số ca nhiễm mới (trừ Hồ Bắc) giảm trong 10 ngày liên tiếp; 12 địa phương không ghi nhận ca nhiễm mới. Số ca nghi nhiễm và ca nặng đều giảm, số ca được chữa khỏi tăng.
Tác động mạnh đến Việt Nam
Ngoài Trung Quốc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là 2 quốc gia có nhiều ca nhiễm mới nhất.
Điển hình, tại Hàn Quốc, tình hình dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp và nghiêm trọng. Chính phủ Hàn Quốc đã thừa nhận “thất bại trong việc kiểm soát dịch”. Ngày 24/2, Hàn Quốc trở thành quốc gia có số ca mắc virus corona cao nhất ngoài Trung Quốc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình dịch dịch Covid-19. Ảnh: Hải Nam. |
Ngày 23/2, Tổng thống Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo cao nhất đối với 2 khu vực có dịch bùng phát là Daegu và Bắc Gyeongsang, đồng nghĩa với việc đóng cửa trường học và các khu vực công cộng. Đây là điều chưa từng có.
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc đã tác động mạnh đến Việt Nam do Việt Nam giao thương nhiều với Hàn Quốc.
Theo số liệu của Cục Hàng không, hiện có 4 hãng hàng không của Việt Nam và 8 hãng Hàn Quốc khai thác các đường bay đi và đến giữa 8 thành phố của Việt Nam và 6 thành phố của Hàn Quốc, với tần suất trên 560 chuyến bay mỗi tuần.
Số liệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho thấy hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc (làm việc, học tập, lấy chồng Hàn Quốc), trong đó khoảng 26.000 công dân Việt Nam sinh sống tại 2 khu vực có dịch bùng phát (Daegu và Bắc Gyeongsang).
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Việt Nam cần chủ động, tiếp tục quán triệt, thực hiện các giải pháp quyết liệt.
“Nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch ở Việt Nam, gây hậu quả khôn lường đối với tính mạng, sức khỏe của nhân dân, thiệt hại lớn đối với nền kinh tế”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Chưa nới lỏng du lịch, hàng không
Về giải pháp ứng phó với nguy cơ dịch từ Hàn Quốc và một số nước khác, Văn phòng Chính phủ đưa ra nhiều kiến nghị.
Trước hết, với Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác công bố có dịch hoặc đạt mức cảnh báo cao nhất sẽ thực hiện các biện pháp như đã áp dụng với vùng có dịch của Trung Quốc, gồm: Hạn chế, khuyến cáo không nhập cảnh vào Việt Nam; trường hợp bắt buộc phải vào Việt Nam phải chịu cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Để tiếp tục phòng dịch từ phía Trung Quốc, Văn phòng Chính phủ kiến nghị chưa nới lỏng hoạt động du lịch, hàng không, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới. Ảnh: Huy Truong. |
Cùng với đó, thực hiện khai báo y tế đối với tất cả các hành khách đến Việt Nam từ vùng có dịch.
Đối với các chuyến bay thẳng từ Daegu đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không chuyến đường bay sang một trong các sân bay: Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ (như đã áp dụng với vùng có dịch của Trung Quốc).
Đồng thời, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ và thực hiện việc cách ly tập trung những người về qua các sân bay này theo đúng quy định.
Đối với người đã nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng đã được công bố có dịch trong vòng 14 ngày qua, Bộ Công an chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ Daegu, các vùng khác của Hàn Quốc và vùng có dịch của các nước khác trong vòng 14 ngày qua (kể từ ngày 9/2) cho các địa phương, để các địa phương thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly khi cần thiết.
Văn phòng Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó nguy cơ dịch từ Trung Quốc. Theo đó, chưa nới lỏng hoạt động du lịch, hàng không, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh đối với hoạt động giao thương qua biên giới hai nước.
Nhiều nước có dịch vẫn cho học sinh đi học
Về việc xem xét cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ nhiều lý do.
Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong 10 ngày qua, không có ca nhiễm mới và 16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.
Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình (bố mẹ phải trông con), nhà trường (trường tư và trường quốc tế vẫn phải trả lương cho giáo viên), xã hội (các dịch vụ liên quan đến trường học phải ngừng hoạt động). Ngoài ra, đối với học sinh từ cấp 2 trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Thứ ba, theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Đài Loan cho học sinh đi học lại từ ngày 25/2; Hong Kong, Mông Cổ dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3.
Thứ tư, việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch.
Thứ 5, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học.
Cụ thể, đối với học sinh từ bậc THPT trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn; bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học và du học.
Đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS, học sinh chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông có thể chưa phải đi học ngay (nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch bệnh).
Vì thế, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh, sinh viên (trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm) đi học trở lại trong toàn quốc từ ngày 2/3.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, có thể xem xét quyết định cho nghỉ thêm hai tuần, sau đó bộ quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến của dịch bệnh.