Chiều 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. “Chúng ta đã thực hiện tinh thần chống dịch như chống giặc, nhờ vậy, số ca lây nhiễm ít”, người đứng đầu Chính phủ đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam. Ảnh: Hải Nam. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài Trung Quốc, dịch bùng phát ở các quốc gia có quan hệ đầu tư thương mại với Việt Nam như Nhật Bản, đặc biệt là Hàn Quốc. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị cần có biện pháp cụ thể hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân.
Bộ Y tế: "Kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý bất an"
Báo cáo về tình hình dịch bệnh tính đến 12h ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trên thế giới đã ghi nhận 79.363 trường hợp mắc virus corona tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 2.619 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc bệnh hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97% (77.150 người).
Một số quốc gia khác có sự gia tăng và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng như: Hàn Quốc có 763 mắc bệnh với 7 ca tử vong; Nhật Bản có 146 bệnh nhân, với 1 ca tử vong; Singapore có 89 người nhiễm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 ca tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp mắc, 3 ca tử vong).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Hải Nam. |
Tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã có 15/16 người nhiễm virus corona được chữa khỏi và ra viện, còn 1 trường hợp theo dõi thêm vài ngày nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi xuất viện.
“Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong”, ông Tuyên khẳng định.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch yêu cầu các bộ, ngành căn cứ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc để báo cáo, trình Thủ tướng quyết định chính sách ngoại giao, du lịch, các chuyến bay cho phù hợp.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ người vào Việt Nam từ biên giới phía Tây Nam tiếp giáp với Campuchia.
Vấn đề cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết trong số hơn 30 nước có người nhiễm Covid-19, hầu hết vẫn cho học sinh đi học bình thường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; có vài nước, vùng lãnh thổ lùi thời gian đi học đến cuối tháng 2/2020. Tại Trung Quốc, các tỉnh cho học sinh đi học vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.
“Hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng; ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục, việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Thủ tướng: “Phải cân nhắc để đảm bảo an toàn"
Nhắc đến lịch đi học của học sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về vấn đề này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng lớp học và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”. Ảnh: Hải Nam. |
Theo đó, sẽ kết thúc năm học trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7. Sau khi tính toán kỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3 để đảm bảo thời gian kết thúc năm học.
“Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ khẳng định.
Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hôm nay sẽ chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định.
“Phải cân nhắc để đảm bảo an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị Bộ GD-ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh cấp THPT, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm đi học trở lại ngày 2/3.
Đối với học sinh mầm non và tiểu học, THCS, Bộ GD&ĐT có thể xem xét quyết định cho nghỉ thêm 2 tuần, sau đó quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Hãng tin Yonhap sáng 24/2 dẫn nguồn nhà chức trách y tế Hàn Quốc xác nhận có thêm 161 ca mới nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tính đến sáng 24/2 là 763 người. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao đã chủ động và khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Hàn Quốc.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng cùng ngày, đại diện Bộ Y tế chính thức cho biết từ 15h ngày 23/2, tất cả cửa khẩu trên toàn quốc đã áp dụng khai báo y tế với du khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Chiều 23/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguy cơ lây nhiễm từ người ở các vùng dịch về là rất lớn. Cụ thể, trong vòng 15-20 ngày qua, người Hàn Quốc vào Hà Nội rất lớn. Bên cạnh đó, cần tính toán các phương án chuẩn bị cho trường hợp tiếp nhận công dân Việt Nam từ vùng dịch về.