Phát biểu tại lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước là sự kiện quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai.
Ông khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Song so với yêu cầu, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, thách thức. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, chiều 10/2. Ảnh: VGP. |
Theo người đứng đầu Chính phủ, hơn 24 tháng phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua là khoảng thời gian dài với mọi người, nhất là trẻ em.
Những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến trẻ em phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô, rời xa những không gian, những trò vui của tuổi thơ. Trẻ em cũng ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.
Đặc biệt, đại dịch đã khiến hàng nghìn trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân.
Thủ tướng đề nghị coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi vẫn còn những trẻ đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
Kể từ tháng 5/2020, trẻ ở Trường Mầm non Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng các cơ sở giáo dục cùng cấp khác không thể đến trường vì dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Việt Linh. |
Thủ tướng chỉ đạo phải có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để có những giải pháp phù hợp.
Trước mắt, ông yêu cầu giảm tải chương trình học, đặc biệt với bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
"Cùng với mở cửa trở lại trường học, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi an toàn, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng phê duyệt ngày 2/10/2021 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.
Chương trình xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.