Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước. Dẫu vậy, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất 7 năm trở lại đây.
“Chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng”, cơ quan thống kê cho biết.
Trong mức giảm 0,17% của CPI tháng 2 so với tháng trước, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5%.
Nguyên nhân được xác định do tác động của việc giảm mạnh giá xăng, dầu ngày 14/2 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2%. Đồng thời, giá vé một số phương tiện giao thông điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán (giá vé xe khách giảm 0,21%, tàu hỏa giảm 8,93%).
Nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh cũng khiến nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%. Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.
Dịch Covid-19 khiến cho giá nhiều dịch vụ, mặt hàng giảm. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục Thống kê cũng cho hay giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2 tăng 2,15% so với tháng 1. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 2,74% so với tháng trước; tăng 7,23% so với tháng 12/2019 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, theo đánh giá sơ bộ và dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-19 sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng. Về tăng trưởng kinh tế, bộ dự kiến có 2 kịch bản.
Theo kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.
Với kịch bản 2, nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.