“Cách duy nhất để chúng ta ứng phó với đại dịch toàn cầu là có một phản ứng toàn cầu. Và nghĩa là phải có công bằng trên toàn thế giới”, bác sĩ Anthony Fauci, Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ và là cố vấn y tế của Nhà Trắng, trả lời Guardian từ Mỹ.
Nhận xét về làn sóng thứ hai đang hoành hành ở Ấn Độ trong lúc nhiều nước phương Tây đang đẩy mạnh quá trình tiêm chủng cho người dân, ông Fauci nói các quốc gia đã không phản ứng đoàn kết trên quy mô toàn cầu ngăn dịch bùng phát ở Ấn Độ, rằng đó là thất bại của thế giới nên Ấn Độ mới hứng chịu cơn ác mộng dịch bệnh bùng lại.
Bác sĩ Anthony Fauci trong một phiên điều trần ở quốc hội Mỹ hôm 15/4. Ảnh: Reuters. |
Đồng thời, ông chỉ ra những quốc gia giàu đã không phân phối công bằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên thế giới.
Tình hình ở Ấn Độ đã làm nổi bật sự bất bình đẳng trên toàn cầu, ông nói.
"Tất cả chúng ta đều ở cùng một tình thế"
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này ghi nhận 360.960 trường hợp mắc mới trong 24 giờ đến sáng 27/4, một kỷ lục mới trên toàn cầu. Tổng số người tử vong của Ấn Độ đã vượt qua 200.000 người, ở mức 201.187.
Cập nhật dịch tễ học mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 27/4 cho biết các trường hợp mắc Covid-19 đã tăng trên toàn cầu trong tuần thứ chín liên tiếp, với gần 5,7 triệu trường hợp mới được báo cáo. Ấn Độ chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh với 2.172.063 trường hợp mắc mới được báo cáo trong tuần qua, tăng 52%.
Ông Fauci cho biết WHO đang tăng tốc hỗ trợ cho Ấn Độ thông qua sáng kiến Covax - chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận với vaccine và các phương pháp điều trị khác.
“Mỹ đã thực sự tăng cường giúp đỡ Ấn Độ, chúng tôi đang gửi thêm bình oxy, thuốc remdesivir, thiết bị bảo vệ cá nhân, nhiều loại thuốc khác và sắp tới là vaccine,” ông Fauci nói. “Tôi nghĩ rằng đó là trách nhiệm mà các nước giàu cần phải đảm nhận”.
“Tất cả chúng ta đều ở cùng một tình thế, các nước đều có liên quan với nhau. Các quốc gia phải có trách nhiệm, đặc biệt nếu là một nước giàu, bạn cần phải hỗ trợ những quốc gia kém hơn không đủ khả năng và nguồn lực yếu", ông nói.
Trong tương lai, các hệ thống y tế trên toàn cầu cần được nâng cấp để các vấn đề mới nổi được phát hiện sớm hơn. Bác sĩ chống dịch của nước Mỹ cho rằng sự minh bạch và trao đổi giữa các quốc gia sẽ là chìa khóa quan trọng, đồng thời đây không chỉ là vấn đề đối với các quốc gia như Ấn Độ mà còn đối với Mỹ.
“Ở Mỹ, hệ thống y tế công cộng đã không được duy trì ở mức mà chúng tôi mong muốn. Chúng tôi vẫn đang sử dụng máy fax, điều này thực sự khó chấp nhận được. Bạn phải chuẩn bị tốt để có kết nối với nhau”, ông nói.
Tổng giám đốc WHO cho biết sự gia tăng Covid-19 ở Ấn Độ "vượt quá mức đau thương". Ảnh: Guardian. |
Hy vọng ngăn chặn đại dịch
Khi được hỏi liệu tình hình ở Ấn Độ và những nơi khác, chẳng hạn như ở Papua New Guinea, có phải cho thấy rất khó để kiềm chế hoàn toàn dịch bệnh hay không, ông Fauci trả lời: “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được điều đó".
“Nhưng điều đó sẽ gây khó khăn hơn khi bệnh bùng phát ở một quốc gia không xử lý tốt. Nếu bạn bị nhiễm bệnh ở một quốc gia mà ở đó có rất nhiều người bị ức chế miễn dịch, bao gồm cả những người bị nhiễm HIV và các virus lây nhiễm, họ sẽ khó ngăn chặn nhanh và điều đó tạo cơ hội cho virus đột biến, dẫn đến sự phát triển của các biến thể mới", ông nói.
Bác sĩ Fauci cho biết tình hình ngày càng phức tạp, có nghĩa là ông thậm chí không thể nghĩ về cuộc sống cá nhân và công việc khác ngoài ứng phó với đại dịch. Mặc dù tốc độ nhanh chóng của chương trình tiêm chủng ở Mỹ đã làm giảm các ca nhiễm mới, vẫn có 406.000 trường hợp mới được báo cáo ở Mỹ trong tuần qua, giảm 15% so với tuần trước.
“Tôi đang dành tất cả sự tập trung, tất cả năng lượng của mình suốt 24/7 để cố gắng kiểm soát đợt bùng phát khủng khiếp mà chúng ta đang trải qua, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới", ông nói với Guardian.