Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Địa ngục trần gian đã ở trước mắt dân Afghanistan

Hàng triệu người Afghanistan sẽ chết đói trong vài tháng tới nếu cộng đồng quốc tế không thể nhất trí về một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp.

Trên các sa mạc bao la ở Afghanistan, tiết trời ấm áp mùa thu đã chuyển sang se lạnh. Tại nhiều khu vực, hạn hán bắt đầu hoành hành, khiến tâm trạng của người dân Afghanistan, vốn sống trong cảnh thiếu thốn đủ mọi hàng hóa dịch vụ dưới chế độ Taliban, thêm phần tuyệt vọng.

Địa ngục trần gian cách Afghanistan chỉ 6 tháng

Tỉnh Maidan Wardak nằm cách thủ đô Kabul khoảng 30 km về phía tây. Bên ngoài một điểm phát chẩn của chính quyền, hàng trăm người đàn ông xếp hàng chờ đợi, hy vọng được phát bột mỳ. Số bột mỳ do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) viện trợ.

Binh sĩ Taliban có mặt bên ngoài điểm phát chẩn để duy trì an ninh. Trước mặt các tay súng, đám đông tỏ ra tương đối trật tự. Nhưng với những người không được phát bột mỳ, họ không giấu nổi sự tức giận pha lẫn sợ hãi.

"Mùa đông sắp đến rồi. Tôi không biết làm thế nào để sống qua thời gian này nếu không có bột để làm bánh mỳ", một người đàn ông nói.

Lúc này, hơn 22 triệu dân Afghanistan đang đối mặt nạn đói. Thực tế khó khăn đặt WFP trước bài toán tăng cường viện trợ lương thực cho Afghanistan.

dan afghanistan chet doi anh 1

Người Afghanistan xếp hàng chờ được phát chẩn. Ảnh: BBC.

Mùa đông này, nếu thời tiết diễn biến xấu như các chuyên gia khí tượng dự đoán, nạn đói trên diện rộng sẽ xuất hiện ở Afghanistan, hàng triệu người sẽ không có cái ăn.

"Tình hình hiện rất đáng báo động. Những gì đang xảy ra ở Afghanistan là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới", David Beasley, Giám đốc Điều hành WFP, cho biết.

Ông Beasley cho hay 95% người dân Afghanistan không có đủ lương thực. Khoảng 23 triệu người đang trên đà chết đói, vị lãnh đạo WFP cảnh báo.

"Thảm họa sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng tới. Afghanistan sẽ trở thành địa ngục trần gian", người đứng đầu WFP cảnh báo.

Trước khi chính quyền tại Afghanistan rơi vào tay Taliban hồi tháng 8, các chuyên gia nhận định chính quyền cựu Tổng thống Ashraf Ghani có đủ khả năng lèo lái đất nước qua được mùa đông khắc nghiệt năm nay nhờ vào viện trợ của cộng đồng quốc tế.

Nhưng sau ngày 15/8, khi chính quyền được cộng đồng quốc tế công nhận của ông Ghani sụp đổ, viện trợ nước ngoài dành cho Afghanistan cũng bốc hơi.

Trước đây, viện trợ quốc tế chiếm 75% chi tiêu công của chính phủ Afghanistan, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi Taliban nắm quyền, chính phủ Mỹ đóng băng 9 tỷ USD trong tài khoản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại Mỹ.

Các nhà tài trợ chủ chốt của Afghanistan như WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đình chỉ giải ngân tiền hỗ trợ.

Theo lý giải của giới chức một số nước phương Tây, họ không muốn đóng vai người hỗ trợ cho Taliban - một chế độ thi hành những hình phạt tàn bạo có hệ thống, cũng như tước đoạt quyền được đến trường học của phụ nữ.

Nhưng liệu phương Tây có tiếp tục khoanh tay đứng nhìn hàng triệu người dân vô tội đối mặt nguy cơ chết đói?

Các tổ chức cứu trợ cùng chính phủ một số nước đã thảo luận về khả năng tài trợ tiền, nhu yếu phẩm cho người dân Afghanistan mà không thông qua Taliban. Tuy nhiên, các thảo luận chưa mang lại nhiều kết quả.

Không có cứu trợ, dân Afghanistan sẽ chết đói

Lúc này, ông Beasley và WFP đang kêu gọi chính phủ các nước, cũng như giới tỷ phú thế giới, ra tay hỗ trợ giải quyết nhu cầu cấp bách tại Afghanistan.

"Hãy tưởng tượng họ là con trai, con gái, cháu trai, cháu gái của chính các vị, họ đang sắp chết đói. Với tài sản 400.000 tỷ USD, các vị đáng ra cần làm mọi thứ có thể. Chúng ta đang để những đứa trẻ chết đói, thật đáng hổ thẹn", ông Beasley cho biết.

Bamiyan là một thành phố ở miền Trung Afghanistan. Năm 2001, Taliban đã phá hủy hai bức tượng Phật có niên đại từ thế kỷ thứ 6 ở thành phố này, hành động bị cả thế giới lên án.

Tại Bamiyan, người phụ nữ Fatema sống cùng 7 đứa con tuổi từ 3 đến 16. Chồng của Fatema chết vì ung thư dạ dày cách đây không lâu.

dan afghanistan chet doi anh 2

Hai người phụ nữ ăn xin bên lề đường ở tỉnh Ghazni. Ảnh: New York Times.

Người phụ nữ và các con hiện sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Tất cả sinh hoạt của gia đình này diễn ra trong một cái hang nằm tại vách đá nơi trước đây từng đặt một trong hai bức tượng Phật đã bị Taliban phá hủy.

Dưới thời chính quyền cũ, Fatema vẫn thường nhận đủ nhu yếu phẩm đáp ứng sinh hoạt gia đình như bột mỳ và dầu từ chính phủ. Nhưng ngay khi Taliban lên nắm quyền, mọi cứu trợ từ chính phủ đã chấm dứt.

Trước đây, Fatema còn có thể kiếm được chút thu nhập nhờ làm cỏ trên đất của một người nông dân gần đó. Lúc này, khi hạn hán hoành hành, mùa màng gần như đã bị phá hủy, đồng nghĩa cô không thể tiếp tục làm việc kiếm tiền.

"Tôi sợ lắm. Tôi chẳng có cách nào để nuôi các con. Sớm muộn gì tôi cũng sẽ phải đi ăn xin", Fatema nói.

Đã có một số gia đình phải bán con gái làm vợ cho những gã đàn ông lớn tuổi. Fatema không muốn làm vậy, nhưng nếu không được cứu trợ thực phẩm, cô và các con sẽ thực sự chết vì đói.

Thời tiết tại Afghanistan đang ngày càng lạnh hơn. Tuyết bắt đầu rơi trên đỉnh những ngọn núi.

Khi mùa đông thực sự bao trùm, hàng triệu người giống như Fatema và gia đình cô sẽ bị đẩy tới bên bờ địa ngục, chết đói và chết rét.

Tay súng Taliban choáng ngợp khi vào dinh thự của cựu phó tổng thống Một đại đội 150 binh lính Taliban được bố trí ở trong dinh thự của cựu Phó tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum, người đã rời khỏi đất nước vào thời điểm Kabul thất thủ.

Bốn phụ nữ Afghanistan bị giết sau lời mời tham gia chuyến bay sơ tán

Phát ngôn viên của Taliban hôm 6/11 cho biết 4 phụ nữ đã bị giết ở thành phố Mazar-i-Sharif. Những nạn nhân được cho là đã nhận được lời mời tham gia chuyến bay sơ tán trước đó.

Em bé được trao cho lính Mỹ tại sân bay ở Afghanistan vẫn mất tích

Sau khi trao đứa con 2 tháng tuổi cho một người lính Mỹ đứng trên hàng rào thép vào ngày 19/8 ở sân bay Kabul, gia đình hiện vẫn chưa tìm được tung tích của Sohail.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm