Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi tìm tồn đọng của nền kinh tế năm 2014

Ý kiến của các chuyên gia về tình hình trong nước năm 2014 và dự đoán cho năm mới cho thấy những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam.

Những vấn đề của năm 2014

Phát biểu tại hội nghị về triển vọng kinh tế do ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức sáng nay ở Hà Nội, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, bức tranh tổng thể của nền kinh tế nước ta năm vừa qua nhìn chung đã cho thấy những tín hiệu lạc quan khi GDP cả nước được dự đoán đạt mức tăng trưởng 5,8% - tương đối tốt nếu so sánh với các nền kinh tế đang phát triển khác. Các chỉ số vĩ mô ổn định cũng như việc kí kết hiệp định thương mại là những điểm khởi sắc trong bức tranh tổng thể. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết. Tăng trưởng kinh tế được cho là còn quá mong manh trong bối cảnh năng lực các doanh nghiệp còn quá yếu, tăng trưởng tín dụng thấp. Các doanh nghiệp chưa có được niềm tin từ phía ngân hàng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Nợ xấu lớn, có xu hướng tăng so với năm trước, ông Thiên cho biết.

Lãi suất huy động dù đã được điều chỉnh, song vẫn chưa tương xứng với mức lãi suất cho vay. Năng lực hội nhập còn yếu kém trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do là thách thức không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà. Tiến sĩ Trần Đình Thiên kết luận, kinh tế nước ta vẫn còn yếu so với mặt bằng chung và sự thay đổi là cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Sự thay đổi là cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

... và hướng đi cho năm 2015

Theo ông Thiên, những thay đổi về thể chế là việc cần làm ngay. Đầu tiên là hiện đại hoá cơ cấu nền kinh tế, tôn trọng thị trường và Nhà nước cần có các biện pháp giải toả cho danh nghiệp để phát triển. 

Cùng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, thêm một vấn đề của nền kinh tế Việt Nam chính nằm ở việc điều hành vĩ mô, các chỉ số phát triển chưa xứng với tiềm năng của quốc gia. Năm 2015, Việt Nam cần cải cách cách điều hành đầu tư công, hạn chế tối đa lãng phí cũng như sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Đồng thời, các chính sách tín dụng cũng cần được xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. 

IMF lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Nhiều dấu hiệu cho thấy, nền sản xuất tại Việt Nam đang ấm dần lên, thể hiện qua những con số khá lạc quan của 2014, tạo đà cho 2015 khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC và các FTA khác.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cũng chia sẻ góc nhìn của mình về nền kinh tế quốc gia 2014. Nhìn chung, Việt Nam đã phần nào đạt được sự ổn định vĩ mô, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài song chưa sử dụng được chúng một cách hiệu quả. Nguồn lực của các doanh nghiệp còn yếu là một nhược điểm lớn cần được khắc phục. Việt Nam là một mắt xích nhỏ của nền kinh tế thế giới, song chúng ta cần phải phấn đấu để đạt được đẳng cấp cao hơn, khi thiếu mắt xích nhỏ này thì các nền kinh tế lớn khác cũng sẽ phải bị ảnh hưởng. 

Theo báo cáo từ công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thu nhập bình quân của người Việt lớn hơn chi tiêu cho đời sống theo giá hiện hành, song chính phủ chưa huy động được nguồn tiền từ người dân một cách hiệu quả. Tạo được lòng tin từ phía người dân, huy động được nguồn vốn hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế là việc cần làm ngay, tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm