Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IMF lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Nhiều dấu hiệu cho thấy, nền sản xuất tại Việt Nam đang ấm dần lên, thể hiện qua những con số khá lạc quan của 2014, tạo đà cho 2015 khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC và các FTA khác.

Hội thảo "Kinh tế thế giới và Việt Nam - thực trạng 2014, triển vọng 2015" ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức sáng nay ở Hà Nội đã đưa ra những đánh giá tổng thể về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2014 cũng như đưa ra những dự đoán sát thực nhất cho tình hình năm 2015. 

Báo cáo từ quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và công ty chứng khoán VPBank (VPBS) trong hội thảo  đã cho thấy những điểm sáng cũng như triển vọng của thị trường Việt Nam. Theo báo cáo từ VPBS, tổng sản phẩm nội địa (GDP) 2014 Việt Nam ước tính tăng 5,8%. Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy sự ổn định cùng với việc đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại mới là những nét chính trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2014. 

Các diễn giả làm việc tại hội thảo. Ảnh : VPBS.
Các diễn giả làm việc tại hội thảo. Ảnh : VPBS.

Còn theo IMF, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cần chú ý tình hình biến động chung của nền kinh toàn cầu cũng như đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, cải cách cơ cấu khu vực ngân hàng. Bloomberg trong khi đó điểm lại những diễn biến kinh tế 2014, đồng thời đưa ra dự đoán về xu hướng của thị trường thế giới nói chung cũng như châu Á nói riêng trong năm 2015.

Bên cạnh những báo cáo và nhận xét tích cực của các chuyên gia quốc tế về thị trường Việt Nam, hội nghị cũng đưa ra thảo luận những điểm chưa tốt của kinh tế trong nước và các biện pháp khắc phục cụ thể. Năng lực doanh nghiệp còn yếu, nợ xấu, khả năng hội nhập và thể chế chính phủ là những vấn đề chính được các chuyên gia trong nước như tiến sĩ Trần Đình Thiên, giáo sư Nguyễn Mại, tiến sĩ Võ Trí Thành và tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đưa ra thảo luận trong khuôn khổ hội thảo.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm