Taxi đỗ giữa đường, va chạm cãi lộn, người đi xe máy thiếu ý thức, số lượng ôtô gia tăng xếp hàng ngang ép người đi xe máy tràn lên vỉa hè... là những mớ bòng bong giao thông.
Hạ tầng yếu kém, quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa hoàn chỉnh và việc ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông chưa tốt là những vấn nạn khó giải đối với giao thông Hà Nội nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Hà.
Số lượng ôtô tăng theo cấp số nhân từng năm cũng bị coi là nguyên nhân gây nên nạn ùn tắc triền miên mỗi ngày. Ảnh: Lê Hiếu.
Bên cạnh đó, sự phát triển của hàng loạt khu đô thị với mật độ dân cư quá lớn, không đồng bộ với đường xá cũng làm cho các tuyến cửa ngõ thành phố quá tải. Có những khu vực đông dân cư sinh sống mà chỉ có từ một đến hai lối đi và về như địa bàn các quận Hà Đông, Bắc và Nam Từ Liêm... Ảnh: Duy Hiếu.
Theo Phòng CSGT, Công an Hà Nội, tính đến tháng 9/2015, toàn thành phố có 535.000 ôtô, chưa kể xe mang biển kiểm soát ngoại tỉnh cũng đang hoạt động tại đây khiến thủ đô đầy ắp xế hộp. Ảnh: Hoàng Anh.
Sau nhiều năm đến nay vẫn chưa nhiều trường đại học hay bệnh viện chuyển ra xa trung tâm. Thậm chí còn có một số trường mới thành lập ở ngay các khu đông dân cư. Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng xuất hiện thêm hàng loạt thu hút đông bệnh nhân từ các tỉnh. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều người cho rằng chẳng có ở nước nào giao thông lộn xộn như ở Hà Nội và TP.HCM. Ý thức của người lưu thông trên đường rất kém, đặc biệt ở những nơi vắng bóng cảnh sát. Mỗi khi thấy ùn tắc, nhiều tài xế cho xe quay đầu tránh càng làm khó cho những phương tiện khác. Ảnh: Lê Hiếu.
Việc xế hộp dàn hàng, lấn làn xe máy trở nên phổ biến từ nhiều năm qua nhưng chưa có cách nào khắc phục. Còn nhiều người đi xe máy cũng không hơn gì tài xế ôtô, thường xuyên tạt đầu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi không đúng làn quy định... Ảnh: Hoàng Hà.
Ôtô mất làn, xe máy mất lối là điển hình của sự thiếu văn minh giao thông Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới mắc phải. Tại các quốc gia phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông đều có ở các thành phố lớn nhưng không bị rối loạn và để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt khách du lịch quốc tế như ở Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.
Chỉ một va chạm dù to hay nhỏ, các tài xế sẵn sàng nhảy xuống đôi co, đòi bắt đền mất hàng chục phút, từ đó làm tình trạng giao thông thêm rối loạn. Ảnh: Việt Hùng.
Có những nơi bát nháo đến mức taxi đỗ giữa đường đón trả khách như đường Giải Phóng trước cổng biện viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Hà.
Bệnh viện cấm taxi ra vào khiến khách phải xuống giữa đường vì không còn cách nào khác. Chỉ cần một xe đỗ giữa đường như thế này cũng tạo nút thắt gây ùn ứ, rối loạn phía sau, nhất là vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà.
Người đi xe máy khi ùn tắc, thấy trống chỗ nào lao vào đó càng tạo nên mớ bòng bong, lộn xộn, vô tổ chức. Ảnh: Hoàng Hà.
Khi lượng phương tiện ở các nút giao quá lớn, việc cài đặt hệ thống đèn tín hiệu hợp lý là vấn đề nan giải. Có nhiều ngã tư, khi đèn chuyển sang xanh, xe cùng chiều vẫn chưa được đi do ở hướng cắt ngang, nhiều phương tiện vẫn chưa lưu thông hết đường. Ảnh: Việt Hùng.
Thậm chí, nhiều xe cố vượt càng làm tình hình thêm rối rắm. Ảnh: Hoàng Hà.
Từ lâu, vào giờ cao điểm vỉa hè bất đắc dĩ trở thành lối dành cho người đi xe máy. Người đi bộ đành luồn lách "sống chung với lũ". Ảnh: Lê Hiếu.
Xe buýt nếu nhiều thì chiếm hết đường, ít lại rất khó khăn cho những người không dùng phương tiện cá nhân. Ở những tuyến đường huyết mạch nội đô, mỗi khi ùn tắc người đi xe máy chỉ cần ngoái đầu lại đằng sau có thể thấy một dàn xe buýt rồng rắn. Ảnh: Hoàng Hà.
Có những nút giao bị bịt, chỉ cần một hoặc hai chiếc xe buýt quay đầu ở vị trí quy định cũng đủ làm ùn lại một dàn ôtô, xe máy. Ảnh: Hoàng Hà.
Mỗi khi trời mưa, những con đường ngày thường không đông cũng trở nên kẹt cứng. Nguyên nhân, nhiều người ngày thường cất xế hộp gặp mưa mang ra sử dụng để tránh bị ướt. Taxi cũng hoạt động hết công suất. Ảnh: Duy Hiếu.
“Phân biệt vùng miền”, “Đối xử không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội”… là những phản ứng của độc giả trước đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội từ năm 2021.