Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng. Đây là bản bị thiệt hại nặng nề nhất bởi tình trạng sụt lún bất thường, khi mà hầu hết nhà dân trong bản đều bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần” xuất hiện và giếng cạn trơ đáy. Theo người dân, ít ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún trở nên tồi tệ hơn. Hầu như ngày nào cũng có thêm ít nhất một nhà dân bị nứt nẻ, kèm theo đó là hàng loạt “hố tử thần” sâu hun hút, không nhìn thấy đáy.
Bất thường của Tân Hoàng Khang
Cách khu dân cư của bản Na Hiêng chừng 500 m là mỏ quặng thiếc Thung Lùn, của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Tại mỏ quặng này, theo ghi nhận của phóng viên, một số công nhân vẫn đang khẩn trương bơm nước ngầm từ trong các đường hầm dưới lòng đất lên, đổ ra bãi chứa nước thải. Bất chấp, từ ngày 11/5, UBND huyện Quỳ Hợp đã ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp này và các tổ chức, cá nhân khác tạm dừng việc bơm hút, khai thác nước ngầm.
Mỏ quặng Thung Lùn vẫn rầm rộ bơm hút nước ngầm từ hầm lò ra dù ngày 11/5, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu tạm dừng. Ảnh chụp ngày 24/5. Ảnh: Tiến Hùng. |
Ngoài ra, tại đây còn có khá nhiều phương tiện, máy móc nằm ngổn ngang. Những máy bơm được sử dụng đều là máy bơm công suất lớn. Cách đó không xa là 3 đường hầm dẫn sâu xuống lòng núi, đây chính là khu vực để khai thác quặng thiếc. Những đường hầm này khá rộng, đủ để xe tải có thể ra vào.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đi sâu vào bên trong lòng núi là hệ thống đường hầm chằng chịt, có tổng chiều dài hàng km. Để khai thác được vỉa quặng thiếc, chủ mỏ phải đảm bảo bên trong luôn khô ráo, không bị ngập bởi những mạch nước ngầm. Chính vì thế, ngay giữa khu vực mỏ, họ cho khoan một giếng nước sâu đến 260 m. Sau đó, công nhân lại dùng máy bơm công suất lớn để hút nước lên rồi xả ra bên ngoài theo những đường ống cỡ lớn được lắp dọc đường hầm. Theo người dân, việc khoan sâu hàng trăm mét như vậy rồi liên tục bơm nước đã khiến cho nguồn nước ngầm xung quanh bị cạn kiệt, dẫn đến sụt lún.
Mỏ quặng Thung Lùn nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Hùng. |
Cũng tại mỏ quặng này, một công nhân phụ trách bơm nước cho biết, hiện tại một giờ các máy bơm đang bơm với công suất từ 200-300 m3 nước từ trong hầm lò ra. Người này cũng cho biết, không rõ công ty được cấp phép xả thải ở mức bao nhiêu. Trong khi đó, theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì mỏ quặng này chỉ được phép bơm hút nước ra khỏi hầm lò với lưu lượng 5,6 m3/h. Như vậy, lưu lượng nước mà công ty này đang bơm tại thời điểm chúng tôi có mặt đã vượt khoảng 40 lần so với quy định.
Không chấp hành thông báo của huyện
Theo ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2019. Ban đầu, các giếng cạn nước, sau đó nhà dân nứt nẻ, sụt lún… Kể từ đó đến nay, xã Châu Hồng đã có đến 30 văn bản báo cáo về tình trạng sụt lún bất thường gửi lên cấp trên. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận nguyên nhân.
Trong khi đó, tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn uy hiếp tính mạng của người dân. Mới đây, người dân lại càng bức xúc hơn khi nhiều “hố tử thần” đã bị “ai đó” điều máy múc đến lấp lại chỉ sau 1 ngày xuất hiện.
“Đoàn đang về điều tra thì phải để những hố đó lại để còn điều tra nguyên nhân chứ. Sao lại phải lặng lẽ lấp đi như thế. Làm như vậy có phải là đang xóa dấu vết hiện trường, xóa bằng chứng?”, một người dân ở bản Na Hiêng đặt câu hỏi.
Một "hố tử thần" đã bị lấp chỉ sau 1 ngày. Ảnh: T.H. |
Không chỉ người dân, trong nhiều văn bản báo cáo của xã Châu Hồng cũng nêu nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn. “Người dân ở đây sinh sống lâu đời chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản”, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói.
Mặc dù nói rằng, không dám nêu đích danh ai là thủ phạm gây ra tình trạng sụt lún vì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, vị Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cũng đưa ra nhiều tình tiết liên quan đến mỏ quặng thiếc Thung Lùn của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Theo ông Hóa, khi mỏ quặng này tạm dừng việc bơm nước từ hầm lò ra thì một số giếng nước của người dân trước đó đã cạn trơ đáy lại bắt đầu có nước trở lại. Ngoài ra, mới đây Công ty CP Tân Hoàng Khang cũng đã hào phóng hỗ trợ xã Châu Hồng hơn 3 tỷ đồng để làm đường ống nước từ khe, suối về cho những hộ có giếng bị cạn trơ đáy. Tuy nhiên, đường ống này cũng chỉ đủ để phục vụ nước sinh hoạt cho vài chục hộ dân.
Đường hầm khai thác quặng thiếc của Công ty Tân Hoàng Khang. Ảnh: Tiến Hùng. |
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày gần đây, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã cho người đến nhiều hộ dân bị nứt nhà để đặt vấn đề hỗ trợ. “Phía công ty có đến nói là hỗ trợ chúng tôi 200 triệu đồng, nhưng lại đưa ra nhiều điều kiện. Trong đó có điều kiện là phải phá nhà cũ, làm lại nhà mới. Số tiền đó thì làm sao mà đủ để làm nhà mới. Vì họ hỗ trợ có điều kiện nên gia đình tôi quyết không nhận tiền”, một người dân ở bản Na Hiêng xin được giấu tên nói. Trước đó, hồi đầu tháng 5, căn nhà khá khang trang của người này xuất hiện “hố tử thần” ngay giữa phòng khách. Kể từ đó đến nay, cả gia đình đành phải chuyển ra mái hiên để ở vì sợ. Ngoài ra, tường nhà cũng có chi chít vết nứt, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi, giếng nước của gia đình thì đã bị cạn từ cuối năm 2019.
“Nếu không phải họ là thủ phạm thì tại sao họ lại phải bỏ khoản tiền lớn như thế để hỗ trợ xã làm đường ống nước và hỗ trợ người dân bị nứt nhà”, một người dân khác nói với phóng viên Báo Nghệ An.
Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đang khoan xuống lòng đất để điều tra nguyên nhân sụt lún. Ảnh: Tiến Hùng. |
Một "hố tử thần" mới xuất hiện dưới nền nhà người dân vào sáng 27/5. Ảnh: T.H. |
Trả lời về việc trước đó huyện đã yêu cầu tạm dừng bơm hút nước ngầm nhưng mỏ quặng Thung Lùn vẫn không chấp hành, một lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết, ngày 12/5, một ngày sau khi ra thông báo, UBND huyện đã phối hợp với UBND xã Châu Hồng tổ chức kiểm tra, giám sát tại 8 công ty khai thác khoáng sản tại xã này. Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có mỗi Công ty CP Tân Hoàng Khang vẫn đang bơm hút nước ngầm để khai thác quặng thiếc. UBND huyện sau đó đã lập biên bản, yêu cầu công ty này tiếp tục tạm dừng khai thác, bơm hút nước ngầm, đồng thời đề nghị UBND xã Châu Hồng giám sát việc chấp hành của công ty.
Ngay sau đó, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã có công văn gửi UBND huyện Quỳ Hợp, trong đó đề nghị tạo điều kiện cho công ty tiếp tục sản xuất theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trong đó có giải pháp hút nước hầm lò. “Vì nếu ngừng hút nước buộc công ty chúng tôi ngừng sản xuất và toàn bộ hệ thống hầm lò, thiết bị, máy móc, hệ thống đường điện sẽ bị ngập và thiệt hại của công ty chúng tôi là rất lớn và để khắc phục lại hệ thống đường lò bị ngập mất rất nhiều thời gian và chi phí rất lớn; đồng thời 250 cán bộ, công nhân viên của Công ty CP Tân Hoàng Khang và Nhà máy luyện thiếc An Vinh sẽ phải nghỉ việc. Hai đơn vị này hàng năm đứng đầu về nộp ngân sách của huyện....”, công văn của công ty có đoạn nêu. Ngoài ra, trong công văn này, Công ty CP Tân Hoàng Khang còn kiến nghị UBND huyện Quỳ Hợp, UBND xã Châu Hồng phối hợp đồng hành cùng công ty trong việc hỗ trợ bà con để khắc phục hiện tượng sụt lún.
UBND huyện Quỳ Hợp sau đó đã phát văn bản, chuyển nội dung đề xuất này của công ty để xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến ngày 18/5, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản phản hồi về việc này. Trong văn bản này, Sở không hề cho phép Công ty CP Tân Hoàng Khang được tiếp tục bơm hút nước ngầm, mà chỉ có ý kiến “trong khi chờ cơ quan kết luận nguyên nhân sụt lún, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh bình thường theo quy định”. Thế nhưng, phía Công ty CP Tân Hoàng Khang vẫn không chấp hành, vẫn công khai bơm hút nước từ hầm lò một cách rầm rộ.
Đến chiều 27/5, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu, UBND huyện Quỳ Hợp đã phải lần thứ 2 phát thông báo về việc yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn xã Châu Hồng. Đồng thời yêu cầu xã Châu Hồng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân bơm hút, khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn. Kịp thời phát hiện việc không chấp hành, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/5, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản về việc xử lý sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện Quỳ Hợp.
Nội dung văn bản nêu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản số 147/UBND-NN ngày 21/4/2022 về việc sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp; trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở TNMT, Xây dựng kiểm tra tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý trước ngày 28/4/2022.
Tuy nhiên đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có báo cáo phương án xử lý dứt điểm là chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung có ý kiến như sau:
1. Đối với UBND huyện Quỳ Hợp:
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm của các dự án liên quan trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Tăng cường kiểm tra, theo dõi và có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phê bình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chậm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý; Yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6/2022.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quỳ Hợp và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý việc sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trước ngày 31/5/2022.
3. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Yêu cầu kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong việc xử lý sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Người đàn bà gào khóc sau khi chứng kiến nhà cửa của con gái bị sụt lún, nứt nẻ vào sáng 27/5. Ảnh: T.H. |
Từng nhiều lần bị xử phạt
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Tân Hoàng Khang là doanh nghiệp nhiều lần bị xử phạt hành chính. Mới đây nhất, ngày 20/5, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 276 triệu đồng. Cụ thể, công ty này bị xử phạt 170 triệu đồng vì đã lấn chiếm 18.380 m2 đất nông nghiệp để xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải, nhà điều hành, nhà ở công nhân, công trình phụ, đường giao thông, bãi tập kết vật liệu... tại khu vực Thung Lùn, xã Châu Hồng. Không chỉ phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, công ty này còn buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là 36,76 triệu đồng.
Cũng trong quyết định này, Công ty CP Tân Hoàng Khang còn bị xử phạt 70 triệu đồng vì không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, năm 2022 công ty đã xả nước thải bơm từ hầm lò vào hệ thống bể lắng tuần hoàn, sau đó bơm nước thải từ bể lắng tuần hoàn vào hang cácxtơ (xả ra môi trường); trong khi đó, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thì nước thải từ quá trình sản xuất (từ các xưởng tuyển) được thu gom lại, sau đó lắng cơ học và bơm tuần hoàn 100% trở lại cung cấp cho hệ thống tuyển mà không thải ra môi trường.
Vết nứt tại Trường THCS Châu Hồng. Ảnh: Tiến Hùng. |
Ngoài ra, 1 tháng trước, hồi tháng 4, Công ty CP Tân Hoàng Khang bị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt 19 triệu đồng vì không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn vệ sinh lao động theo quy định pháp luật và không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Trước đó, năm 2017, công ty này bị xử phạt 35 triệu đồng vì nhiều chỉ số vượt ngưỡng cho phép…
Đến nay, xã Châu Hồng đã có tới 299 giếng nước bị cạn. Ảnh: T.H. |
Xã Châu Hồng được xem là thủ phủ khoáng sản với 11 doanh nghiệp đang khai thác, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Trong khi, toàn xã chỉ có vỏn vẹn 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học trò. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2 cm…