Nhà báo Hữu Thọ thường được bạn bè ưu ái gọi với cái tên "Người hay cãi" bởi đó là tên một tác phẩm của ông và nó cũng mang đặc điểm tính cách ngoài đời, phong cách của vị lão thành trong báo giới Việt Nam.
Sinh ngày 8/1/1932 tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, ông từng là học sinh trường Bưởi (nay là THPT Chu Văn An, Hà Nội). Ở tuổi 14 ông tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Năm 1946, Nguyễn Hữu Thọ thoát ly gia đình theo kháng chiến, làm liên lạc cho Tự vệ chiến đấu khu phố Tống Duy Tân, Mặt trận Hà Nội.
Nhà báo Hữu Thọ: "Một người làm báo chân chính, được tin cậy thì bao giờ cũng có người yêu kẻ ghét". Ảnh: Ảnh: Hoàng Long. |
Ông tham gia du kích rồi làm chính trị viên đại đội hoạt động nhiều ở Thái Bình, vùng đất sau này ông đã quay trở lại nhiều lần với vai trò một phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì, Chính trị viên trung đội du kích Căm Hờn huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình; Chính trị viên đại đội bộ đội, Khu Tả ngạn sông Hồng.
Năm 1955, Nguyễn Hữu Thọ tham gia tiếp quản thị xã Hải Dương. Ở tuổi 23 ông đã là ủy viên Thường vụ thị ủy.
Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, từ tháng 8/1957, chàng trai tuổi 25 đã đến với nghề báo khi trở thành phóng viên báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam. Ông trở thành cây bút chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
“Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy, sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo” – nhà báo Hữu Thọ.
Từ đây, nhà báo Hữu Thọ đã chứng kiến những đổi thay của nông thôn trong phong trào hợp tác hóa ở miền Bắc. Ông chứng kiến những tranh cãi trước sáng kiến khoán nông nghiệp dẫn tới án kỷ luật với Bí thư Kim Ngọc của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông cũng có những trải nghiệm khoán chui ở Hải Phòng những năm khó khăn sau ngày vui thống nhất và là cây bút ủng hộ những vượt rào về nông nghiệp của địa phương, góp phần dư luận dẫn tới chính sách khoán 100, khoán 10 của Trung ương.
Nhà báo Hữu Thọ, một trong những cây bút xuất sắc của báo chí Việt Nam. Ảnh: Tiền phong. |
Nhà báo Hữu Thọ từng xuất bản 20 cuốn sách. Trong đó, cuốn đầu tiên ra mắt năm 1962 có tựa đề “Cô gái thôn Bạt”; tiểu phẩm “Người hay cãi”, xuất bản 1991; “Theo bước chân đổi mới”, xuất bản năm 2002; “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xuất bản năm 2001; cuốn hồi ký báo chí “Những ngày chưa xa”, xuất bản năm 2002…
Ông giành 8 giải Nhất, hoặc A của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Hữu Thọ cũng được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy chương “chiến sĩ văn hóa”, Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”
“Tôi xin quả quyết nhà báo Hữu Thọ là một cây đại thụ của báo chí Việt Nam đương đại với phong cách riêng, bút pháp riêng. Một cây đại thụ mà từ những ngày đầu còn non xanh đã vươn lên vững chãi, trưởng thành nhanh, và càng về già ngòi bút của anh càng sắc bén, thâm hậu”.
Nhà báo Phan Quang – nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tròn nửa thế kỷ làm báo, tháng 1/2007, nhà báo Hữu Thọ chính thức nghỉ hưu. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến và giữ chuyên mục “Chuyện làm ăn”, “Bàn góp sự đời” tren báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, mục “Chuyện đời” trên tạp chí Thế giới mới…
Từ một phóng viên, nhà báo Hữu Thọ trải qua nhiều cương vị như trưởng ban, rồi Tổng biên tập báo Nhân Dân. Ông cũng là Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện báo chí tuyên truyền, Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).
Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hai khóa 7, 8; đại biểu Quốc hội hai khóa 9, 10. Sau đó ông tiếp tục giữ vai trò trợ lý cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (2001-2006).
Là tổng biên tập, rồi giữ trọng trách cao nhất trong cơ quan tư tưởng của Đảng, khi còn công tác hay đã nghỉ hưu, ông chỉ muốn mọi người gọi mình là nhà báo. Và danh xưng ấy, rất tự nhiên đã thực sự gắn bó với ông tới ngày cuối đời.
Làm báo chân chính bao giờ cũng có người yêu - kẻ ghét
“Năm 1987, tôi xuất bản cuốn tiểu phẩm đầu tiên có tựa đề “Người hay cãi”. Trong lời đề từ của cuốn sách, tôi có viết: “Tôi không biết viết thế nào cho thành công, vì mỗi một bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn một bài báo sẽ thất bại khi đưa ra câu trả lời làm vừa lòng tất cả mọi người”.
Có lẽ đây là câu nói mà tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp làm báo của mình. Mỗi sự việc chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chân lý lại chỉ có một. Nếu đưa ra câu trả lời khiến người đúng, kẻ sai, người tốt, kẻ xấu đều vừa lòng thì đó là một bài báo vô vị.
Vẫn biết nếu tỏ thái độ hay chính kiến rõ ràng thì sẽ có những người không ưa, thậm chí thù ghét, nhưng đó là điều cần phải chấp nhận, bởi với một người làm báo chân chính, được tin cậy thì bao giờ cũng có người yêu kẻ ghét”.
Nhà báo Hữu Thọ