Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên khoa Kỹ thuật hạ tầng (Đại học Việt - Nhật), khẳng định đây là một tai nạn vô cùng đáng tiếc. Qua video trên mạng, ông Bình cho rằng nguyên nhân xảy ra tai thuộc về phía xe cứu hỏa.
Ông Bình cho biết theo đánh giá của các cơ quan chức năng, xe cứu hỏa không đi sai quy định, bởi được phép đi ngược chiều. Nhưng lái xe cứu hỏa đã không hiểu thấu đáo và đánh giá được rủi ro khi lưu thông ngược chiều trên cao tốc.
"Hành vi tự sát"
“Khi lưu thông với tốc độ 90-100 km/h, một xe khách cần hàng trăm m sau khi đạp phanh gấp mới có thể dừng được. Đấy là chưa nói từ khi nhận ra nguy hiểm cho đến khi đạp phanh phải mất một vài giây”, tiến sĩ Phan Lê Bình nói.
Vì thế, cho dù xe cứu hỏa hú còi và đèn ưu tiên, nhưng khi vào cao tốc phải có một khoảng cách đủ xa, khoảng 300-400m thì các phương tiện khác mới đủ thời gian xử lý. Đặc biệt, việc đi vào cao tốc từ nút ra có thể xem là rất nguy hiểm và chẳng khác nào hành vi tự sát.
Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng việc xe cứu hỏa đi ngược chiều từ nút ra tiến vào cao tốc rất nguy hiểm. Ảnh: C.P. |
Tiến sĩ Phan Lê Bình phân tích về phía xe khách ông cho rằng tài xế hoàn toàn không có đủ thời gian để nhận biết và không thể kịp có thao tác để tránh tai nạn. Nếu cố tình bẻ lái tránh thì thiệt hại của xe khách còn lớn hơn nhiều.
Trong trường hợp trên, theo ông Bình, các cơ quan chức năng cần phải ra lệnh đóng cao tốc ở chiều ngược lại sau đó cử người đi bộ lên trước rồi mới tiến xe vào. Đến khi xe cứu hỏa tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn thì mới mở cao tốc cho các phương tiện khác lưu thông.
Giảng viên trường Đại học Việt - Nhật cho biết hiện tồn tại một vấn đề nguy hiểm trên cao tốc là nhiều tài xế chạy xe ở làn dừng xe khẩn cấp. Đây là điều đại kỵ trên cao tốc. Làn dừng xe khẩn cấp này chỉ được phép dừng khi xe bị tai nạn, hư hỏng và chỉ có xe cứu hỏa, xe ưu tiên mới được lưu thông.
Nút ra vào nơi xảy ra vụ tai nạn rất vuông góc với đường. Nếu phương tiện đi ra nhanh, không quan sát thì va chạm là không thể tránh
Ông Phạm Trung Tuyến
Ông Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông, nhận xét tổ chức giao thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có nhiều hạn chế. Ngoài hệ thống cảnh báo thì các nút ra, vào cao tốc không đảm bảo.
“Điển hình như nút ra vào nơi xảy ra vụ tai nạn rất vuông góc với đường. Nếu phương tiện đi ra nhanh, không quan sát thì va chạm là không thể tránh”, ông Tuyến phân tích.
Qua vụ việc, ông Tuyến cho rằng điều chúng ta cần quan tâm là việc tổ chức vận hành giao thông trên cao tốc, đã đến lúc Việt Nam có một quy chuẩn đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Theo đó, cần đầu tư hệ thống cảnh báo rủi do, cách mà phổ biến nhất hiện nay là nên sử dụng hệ thống màn hình LED trên cao tốc. Việc này có thể đội chi phí cho các đơn vị quản lý cao tốc nhưng việc lưu thông an toàn hơn.
Đồng thời cần phải có chế tài buộc các đơn vị quản lý cao tốc cung cấp kịp thời thông tin cho hệ thống radio và phát sóng trên tuyến đường của mình về những vụ tai nạn, sự cố vừa xảy ra. Như vậy, người tham gia giao thông mới nhận được cảnh báo trên đường.
Chưa ai được dạy lái xe trên cao tốc
Chia sẻ với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA), cho biết vụ tai nạn xảy ra ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giữa xe khách và xe cứu hỏa có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do việc tiếp cận cao tốc của xe cứu hỏa chưa tốt. Dù là xe ưu tiên nhưng tài xế xe cứu hỏa xử lý thiếu kinh nghiệm.
Thứ hai, việc tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nhiều tuyến khác chưa tốt. Hiện nay cao tốc ở Việt Nam có nhiều đường cắt và đường nhánh vào cao tốc ngắn. Trong vụ tai nạn trên, chỉ mất chưa đến 3 giây, xe cứu hỏa đã đi được vào làn giữa, tạo thành chướng ngại vật cắt ngang đường.
Thứ ba là lỗ hổng trong kỹ năng xử lý trên cao tốc của các lái xe. Trong kiến thức thi bằng lái xe chỉ dạy chung chung chứ không đề cập đến việc dạy đi trên cao tốc. Các lái xe chủ yếu học được từ kinh nghiệm thực tế khi lưu thông trên cao tốc. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, họ chủ yếu xử lý bằng kinh nghiệm.
“Nguyên tắc lưu thông trên cao tốc khác với các tuyến đường bình thường. Kể cả lái xe cứu hỏa, chưa chắc họ đã được tập dượt kỹ việc đi ngược chiều trên cao tốc”, chuyên gia Đức nhận định.
Theo vị này, xe cứu hỏa theo là loại xe ưu tiên đặc biệt và được đi ở bất cứ làn nào, nhưng phải tùy tình hình giao thông lúc đó. Lái xe cứu hỏa được ưu tiên nhưng không được quá lạm dụng mà phải rất cẩn trọng trong từng cái nhấn ga.
Các lái xe chủ yếu học được từ kinh nghiệm thực tế khi lưu thông trên cao tốc chứ chưa ai được dạy
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức
Tại Nhật, Mỹ và các nước trên thế giới, lái xe cứu hỏa tập rất kỹ như đi ngược chiều ra sao, phải liên hệ với đơn vị tổ chức giao thông nào phối hợp, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn cho mình và các phương tiện khác.
Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia JICA khẳng định bản thân hệ thống cao tốc phải kiểm soát được xe vào, ra. Tức là không phải chỗ nào cũng có thể nhập làn, chỗ nào cũng từ đường chính ra ngoài được.
Thực tế cho thấy, không ít tuyến cao tốc của Việt Nam còn một số điều kiện nhất định chưa thỏa mãn. Nhiều tuyến đường độ lún chưa đảm bảo, giải phóng mặt bằng xong đã đưa vào khai thác, chưa đảm bảo an toàn tại các nút giao… Vì thế, họ tổ chức giao thông kiểu vừa khai thác vừa khắc phục nên nhiều khi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.