Nhà văn Di Li sinh năm 1978, kém con gái tôi vài tuổi, nhưng cô coi tôi như một người bạn thân thiết, đôi khi tâm sự những chuyện riêng tư. Tôi nghe, cảm thông và tôn trọng, không bình phẩm, không nói với ai khác và không chê trách bao giờ. Tôi nghĩ, chỉ riêng sự chia sẻ ấy là điều Di Li cần, vì tôi hiểu khi Di Li đã quyết định điều gì, là cô đã cân nhắc kỹ. Nàng tâm sự: "Cháu nghĩ, cuộc đời quá ngắn, không đáng để bắt mình phải chịu đựng điều gì đau đớn quá lâu. Phải biết dứt bỏ, đúng không cô?".
Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này, và còn cho rằng nếu đã dứt bỏ là phải... quên khẩn trương(!). Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng như vậy... Tôi luôn chia sẻ với Di Li, tin cậy và cũng coi cô như con gái, như một người bạn yêu quý. Tôi cũng có máu xê dịch giống Di Li, nên đã theo cô tự mua vé đi Thái Lan, đến Chiềng Mai, Tam Giác Vàng Lào-Myanmar-Thái Lan, đi Nhật rồi một lần đi Ấn Độ do Hội nhà văn cho đi.
Hí họa chân dung nhà văn Di Li của họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng. |
Lần đi Nhật hôm cuối cùng, trước khi ra sân bay, cô dẫn một nhóm vào trung tâm Tokyo thăm tượng Con chó nhỏ huyền thoại, tôi không đi mà theo đoàn ra siêu thị. Những 4 tiếng đồng hồ, tiền chỉ còn đúng 100 USD mà hành lý đã đóng gói sẵn để ở khách sạn nên tôi không mua bán gì mà ra ngoài siêu thị xem phố phường.
Lúc quay lại, chả biết mình đã vào siêu thị nào, về khách sạn cũng không được vì tôi không nhớ rõ tên khách sạn (!), thế là đưa vé máy bay cho một ông taxi, huơ tay lên trời, ông ấy hiểu, xòe tay hỏi có tiền không, tôi đưa ra tờ 100 USD cuối cùng. Và ông đưa ra sân bay, đường dài, vắng tanh và qua nhiều vùng dân cư thưa thớt với núi đồi hoang vu. Đến nơi, ông còn đổi USD ra tiền Nhật trả lại tôi một nửa và dẫn tôi vào chỗ xếp hàng lên máy bay về Việt Nam.
Gặp tôi, Di Li chạy ra ôm, mắt đỏ hoe và cô bảo mọi người: “Các bác đừng hỏi gì, để cô ấy bình tĩnh đã”. Sau đó, mọi người mới kể lại, trước khi lên xe ra sân bay, không thấy tôi đâu, cháu hướng dẫn viên của đoàn đi taxi ra siêu thị tìm, mọi người thì lên xe ra sân bay. Ai cũng bảo gửi vali của tôi lại để nếu tôi trở về khách sạn và phải ở lại Nhật thì còn có áo quần và mọi thứ trong vali, nếu không thì tôi… làm sao sống được ở đất nước xa lạ mà tiếng thì không biết, người thì chưa quen ai?
Nhưng Di Li khẳng định là tôi sẽ ra được sân bay và cứ xách vali của tôi theo. May thế chứ. Lúc đã bình tĩnh, nàng còn trêu tôi: “May là cô lạc ở Nhật, đất nước hiền hòa và văn minh, chứ nếu cô mà lạc ở Ấn Độ, thì...bà già nó cũng không tha đâu nhé!”. Mọi người phá ra cười và tôi thì… hết lo bị lạc, lại còn thấy mình may mắn nên cũng cười theo được!
Di Li (ngồi) và tác giả bài viết Phan Thị Thanh Nhàn trong chuyến đi Nhật. |
Đại loại là chúng tôi có những kỷ niệm đáng nhớ như vậy, nên Di Li cứ rủ đi đâu mà có thể đi, là tôi đồng ý liền. Và tất tật mọi việc đều do nàng lo toan, tôi chỉ việc theo nàng ra sân bay và bát ngát theo nàng đi đâu cũng được, không cần biết đi nước nào, thăm những đâu, ngó bảo tàng nào, đến ngọn núi hay thung lũng nào...
Lần này, nàng lại gửi chương trình du lịch cho tôi qua e-mail, và nhắc tôi đọc, muốn đi đâu nữa thì bổ sung, nhưng tôi lắc đầu:”Cô chẳng đọc đâu, cứ cháu đi đâu là cô theo đấy mà!”.
Chả là dạo đi Thái Lan, muốn thăm Tam Giác Vàng, e tôi ngại, vì bà già sợ mệt, nàng không nói đi đâu mà chỉ bảo: “Hay là cô ở lại khách sạn đi loanh quanh , chờ tối bọn cháu về. Lần này đi hơi vất vả”. Nhưng tôi không hỏi đi đâu, mà chỉ bảo: “Cô cứ đi, nếu mệt thì ngồi nghỉ trên xe cũng được”... Nhưng chuyến đi ấy thật vui, thăm dân tộc Cổ Dài độc đáo, các ngôi chùa cổ, lại sang bên kia sông Mekong, vào chợ biên giới của Lào mà tôi... chẳng mệt tẹo nào!
Đi với Di Li, nàng lo hết mọi thứ cho bà già, nào mua vé máy bay giá rẻ, làm visa, đặt chương trình, nhắc nhở giữ sức khỏe... Ở Hà Nội, cần đi đâu làm giấy tờ cho chuyến đi là nàng đến tận nhà đón, đưa tôi đi bằng xe máy. Tết này, nàng dặn: “Cô nhớ sắp xếp đến nhà cháu ăn một bữa tất niên. Lần này cô không được từ chối nữa đâu!”, tôi vẫn bướng: “Một là không ăn chay - Hai là không quá đông và phải toàn bạn quen thì cô mới đến cơ!” - “Cháu nhớ rồi ạ” - nàng cười hiền. Bởi vì lần trước, nàng mời mà tôi không đến, vì nàng bảo toàn các bạn trẻ, hát hò vui lắm nên tôi ngại.
Và Di Li cũng nhiều lần mời tôi tham dự các buổi ra mắt sách của nàng, tôi chỉ đến một lần duy nhất, từ năm 2014, mà nàng cũng không hề giận. Trong khi có bạn mời mà tôi từ chối, thì đã giận hơi lâu. Các bạn bình loạn về tôi: “Bà này cứ lúc nào cần trẻ - là trẻ, ví dụ như đi chơi, đi du lịch, dự trại viết ở xa, đi biển... Còn mời ra mắt sách, nghe nói chuyện, hội họp... là kêu già, mệt không đi” (!). Nhưng nhiều bạn trẻ dễ thương như Di Li, thì hiểu và thông cảm, không hề chê bai , cũng không giận dỗi.
Di Li đi du lịch nhiều, nào Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hàn quốc, Hy Lạp, Macau, Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Pháp, Đức, Italy... và toàn bộ các nước Đông Nam Á. Nhưng nàng vẫn viết như thụi, riêng năm 2015 vừa qua Di Li ra mắt tới 9 đầu sách, và nhiều cuốn bán chạy như: tản văn Đàn ông Tây sao lấy được vợ Việt, tiểu thuyết Câu lạc bộ số 7, bút ký Nụ hôn thành Rôm, tập truyện ngắnKhách lạ và người lái xe taxi...
Riêng trong năm 2015, tập truyện ngắn Cocktail của nàng đã dịch sang tiếng Hà Lan. Và tháng 2, nàng rủ tôi sang Hà Lan tham dự sự kiện ra mắt sách tại quốc gia này. Ưu thế của Di Li là nói tiếng Anh như gió. Trong các chuyến du lịch mà tôi theo nàng đi ra nước ngoài, thật vất vả cho nàng. Nào ai bị đau bụng muốn kiếm thuốc uống ngay. Nào buổi tối một nhóm đòi đi hát karaoke cho biết văn hóa xứ người, rồi có chị muốn mở email liên hệ với gia đình. Rồi người nhờ mua 3G để vào "fây xờ búc"...
Rồi khách sạn hỏi ông nào đánh rơi chiếc mũ họ vừa nhặt được, bà nào ra khỏi khách sạn còn quên áo quần trong tủ và hộp son trên bàn trang điểm... Tất cả đều phải qua Di Li. Và lúc nào nàng cũng bình tĩnh, điềm đạm tận tình giải quyết đâu ra đấy. Chính tôi có lần quên áo quần treo trong tủ ở Chiềng Mai, nàng nghe khách sạn nói vậy, đã gọi tôi quay lên phòng nhận lại trước khi lên xe sang tỉnh khác (!). Một lần, đã xuống taxi, chàng lái xe đã đi một đoạn ngắn vội quay lại, gọi ời ời. Di Li chạy ra rồi trở lại, tay cầm một tấm hộ chiếu bỏ quên trên ghế, hóa ra là của tôi!...
Các bạn đã hiểu tại sao cứ Di Li rủ đi xa là ở đâu, nếu có điều kiện là tôi theo liền! Còn cánh đàn ông mà tôi chứng kiến, thì cứ gặp Di Li là... mê ngay(!). Chàng thì đến dự ra mắt sách của nàng, chưa đọc đã mua liền khoảng 20 cuốn, sau đó còn mua thêm cho công ty để biếu khách hàng. Có chàng ở nước ngoài, cứ về Việt Nam là nhờ tôi cho gặp nàng ngay. Bạn khác thì bảo tôi mời nàng đến khách sạn của chàng nếm thử món mới. Và bạn trẻ khác nữa mời tôi và nàng đi uống cafe...
Nhưng chỉ 2-3 lần đầu, về sau thì tôi... không được mời kèm với nàng nữa. Không biết vì họ đã thân nhau hay vì nàng mặt lạnh, các chàng đã ngại(!). Các bạn gái nói sau lưng là nàng có dáng... manơcanh - lạnh lùng vô cảm(!), là nàng kiêu, ít nói và ít chịu tiếp xúc. Một nàng thơ trẻ có lần còn tỏ ra đùa tếu hơi hậm hực chút: “Trong mắt cô chỉ có Di Li, cô chả thấy bọn trẻ chúng cháu đâu cả!”.
Tôi không tự nhiên có cảm tình với ai, cũng không tự nhiên ghét bỏ ai. Tôi cũng đôi lần giận Di Li, vì nàng qua mặt bà già trong quan hệ thân hay không thân với các chàng mà do tôi nàng mới được gặp. Ví dụ nàng gọi điện thoại ngăn chàng ta làm việc này việc khác mà không cho tôi biết, chẳng hạn. Nhưng sau đó, tôi lại tự cười mình: “Biết để làm gì, khi mà mình đã già, còn nàng đang trẻ trung xinh đẹp, quá tài hoa, lại khôn ngoan. Sao muốn nàng cái gì cũng phải tâm sự với mình? Nàng cũng phải có góc riêng tư, cũng phải lo toan mọi điều mà chả ai chia sẻ được”. Và thế là tôi vẫn thân thiết, tin cậy và yêu mến nhà văn trẻ xinh đẹp và cũng… đa đoan ấy.