Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoa khôi Lan Khuê: 'Tôi từng mơ ước trở thành nhà văn'

Đúng ngày sinh nhật của Lan Khuê, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn thú vị không phải về các cuộc thi nhan sắc mà về thú vui đọc sách của hoa khôi xinh đẹp.

Ít ai biết đại diện Việt Nam tại cuộc thi Miss World từng đoạt giải ba Học sinh giỏi văn thành phố khi còn đi học. Thậm chí có lúc cô đã ấp ủ giấc mơ trở thành một nhà văn. 

Trở về TP HCM sau cuộc thi, Lan Khuê bận rộn với nhiều công việc, kế hoạch mới. Cô đang ấp ủ dự định viết lại hành trình một tháng "đem chuông đi đánh xứ người" của mình.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ung thư sau cuộc thi Hoa khôi áo dài, Lan Khuê còn xây dựng những tủ sách thiếu nhi dành riêng cho các em nhỏ gặp hoàn cảnh không may. 

Thay đổi thói quen đọc theo thời gian

Có thành tích là học sinh giỏi Văn thành phố, chị có phải fan cuồng của những cuốn sách văn học?

Sách là một phần không thể thiếu thiếu trong cuộc sống nhưng để nói tôi là fan cuồng của một thể loại nhất định nào đó thì hơi khó. Nguyên do là bởi mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Khi còn học cấp 2, cấp 3, tôi thực sự là fan cuồng những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những bộ truyện như Kính vạn hoa hay các câu truyện rất teen về tình cảm tuổi học trò là Hoa hồng xứ khác, Bàn có năm chỗ ngồi… tôi rất thích và đều đọc đi đọc lại nhiều lần.

Nhưng từ khoảng lớp 11-12 tới lúc vào đại học, tôi lại đọc những tác phẩm văn học kinh điển. Không hiểu tại sao ngày xưa lại có khả năng đọc trọn vẹn cả bộ tiểu thuyết dày cộp một cách say mê (cười).

Tới bây giờ, tôi không thể đọc những cuốn sách như thế nữa. Có nhiều cuốn sách mua về, dự định sẽ phải đọc luôn và ngay nhưng cuối cùng, tôi chỉ lướt qua vài trang và không tiếp tục đọc nữa. Hiện, tôi chỉ thích đọc những cuốn sách nhẹ nhàng như tạp bút, bút ký, truyện ngắn gần gũi với đời sống, công việc, tình cảm do các nhà văn trẻ viết theo kiểu hiện đại.

Tôi nghĩ sự thay đổi này có thể bắt nguồn từ đặc thù công việc. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình có ngây thơ, đơn giản, không hiểu cuộc sống như thế nào, con người ra sao nên mới tìm tới những cuốn sách như thế để tích luỹ vốn sống. Hiện tại, công việc của tôi khá căng thẳng, nhiều áp lực nên muốn chọn những cuốn sách nhẹ nhàng để tìm cảm giác thoải mái, thư giãn.

- Chị nghĩ việc đọc sách ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của mỗi người?

- Không biết với mọi người như thế nào nhưng với bản thân tôi, khi đọc xong một cuốn sách thì luôn lưu luyến với các nhân vật, tình tiết. Nếu cái kết có hậu, mở ra một tương lai tươi sáng với các nhân vật, chính mình cũng thấy yêu đời, hứng khởi. Nhưng nếu cái kết buồn, gây lưu luyến thì tâm trạng của tôi cũng trùng xuống và đôi khi còn trầm cảm đi. Tôi nghĩ một cuốn sách hoặc một bản nhạc hay ảnh hưởng rất nhiều tới tâm trạng của người đọc, nghe tác phẩm đó.

- Chị thường đọc sách mỗi ngày hay đọc lúc nào?

- Trong túi xách của tôi lúc nào cũng có một cuốn sách. Lúc ngồi make-up, chờ diễn hay quay, tôi luôn tranh thủ đọc một vài trang. Cách làm này vừa giúp mình giết thời gian, vừa có thể tích cóp những kiến thức bổ ích. Kiến thức phải bổ sung, vun đắp từng ngày cứ không phải một lúc nạp vào là có đủ. Sách có thể coi là vật bất ly thân của tôi khi ra khỏi nhà.

- Cuốn sách gần đây nhất chị đã đọc là gì?

- Hiện tôi đang “nghiền ngẫm” cuốn Sài Gòn bao nhớ của nhà văn Đàm Hà Phú. Theo cá nhân tôi, cuốn sách hấp dẫn ngay từ cái tựa và cách hành văn khá vui nhộn. Tôi đã đọc được hơn chục trang và hy vọng sẽ đọc hết cuốn sách này trong thời gian tới.

- Ai hay hoàn cảnh nào giới thiệu với chị cuốn sách này?

- Cuốn sách này là món quà một người bạn tặng tôi khi vừa trở về từ cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Chắc có lẽ bạn tôi cũng muốn gửi gắm chút ẩn ý khi tôi vừa xa Sài Gòn hơn một tháng. Khi đọc cuốn sách này, tôi thấy mình như một người con xa xứ đang tìm về với miền đất yêu thương.

- Chưa đọc hết cuốn sách nhưng có điều gì khiến chị không hài lòng hoặc phải chấm điểm trừ với "Sài Gòn bao nhớ" không?

- Mới đọc được hơn chục trang nên tôi không dám đánh giá nhiều về Sài Gòn bao nhớ. Nhưng tác giả cuốn sách không phải người Sài Gòn gốc mà chỉ sống ở thành phố này rất lâu nên cách nhìn và cảm nhận về nó cũng khác với một người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn như tôi. Cá nhân tôi đánh giá cuốn sách này rất thú vị.

Hành trang không thể thiếu của Lan Khuê khi rời nhà gồm một cuốn sách để đọc khi rảnh rỗi. 

Nguyễn Nhật Ánh cho tôi nhiều cảm hứng

- Thông thạo cả tiếng Anh và Đức, vậy chị có thường xuyên đọc sách ngoại văn?

- Nói thật lòng thì tôi vẫn chuộng những cuốn sách viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hơn. Hiện tôi thường đọc những tác phẩm của các tác giả Việt Nam hơn là các tác phẩm nước ngoài. Nhưng như tôi vừa nói, mọi thứ đều có giai đoạn riêng. Từng có thời, tôi chỉ đọc các tác phẩm nước ngoài được chuyển thể lẫn bản gốc là tiếng Anh và tiếng Đức.

- Chị có thể giới thiệu với độc giả Zing.vn 5 cuốn sách mà chị từng đọc và ấn tượng?

- Những cuốn sách tôi từng đọc rồi ấn tượng mãi, không thể quên là Ký ức vụnBạn văn của Nguyễn Quang Lập. Tác giả này chắc chị cũng biết rồi, cách dùng từ, ngôn ngữ của ông rất vui và hài hước, nhất là cách Nguyễn Quang Lập đang nói về nhân vật. Đọc xong không biết ông đang chê hay khen, tất cả mọi thứ đều nhẹ nhàng và hài hước, khiến mình có cái nhìn rất khác về các nhân vật ông đề cập tới.

Một cuốn sách khác là tiểu thuyết Tuyết tôi đọc từ năm lớp 12. Ban đầu chỉ đọc 1-2 trang rồi không thể đọc tiếp vì cách hành văn của tác phẩm có gì đó khá nặng nề. Nhưng rồi có một đêm nhà mất điện, không biết làm gì nên tôi lại lôi cuốn đó ra và thắp nến ngồi đọc. Trong một đêm, tôi đã đọc hết cả cuốn sách. Tuyết khiến tôi liên tưởng nhiều tới các tác phẩm nói về số phận con người cũng như những xung đột về tôn giáo, sắc tộc. Những câu chuyện như thế cho tôi một góc nhìn mới về thế giới.

Cuốn sách thứ 4 mà tôi đã xem và ấn tượng là Lưng chừng cô đơn của Nguyễn Ngọc Thạch. Bỏ qua những câu chuyện ngoài lề về tác giả này, tôi luôn đánh giá cao những tác phẩm Ngọc Thạch đã viết.

Còn cuốn cuối cùng tôi muốn chia sẻ với mọi người là Sài Gòn bao nhớ. Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng là cái tựa của sách. Còn về nội dung thì mong các bạn hãy chờ khi tôi đọc xong sẽ review nhé.

- Vậy còn tác giả luôn tạo cảm hứng đọc cho chị thì sao?

- Ở Việt Nam chỉ có duy nhất Nguyễn Nhật Ánh là tác giả luôn giúp tôi có thêm cảm hứng, sự thích thú và yêu mến. Hầu như chưa có tác phẩm nào của ông mà tôi bỏ qua từ khi đi học tới giờ. Các tác phẩm của ông có thể hơi mơ mộng nhưng khiến người đọc thấy nhẹ nhàng trong xã hội hiện tại.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tôi luôn tìm thấy chính mình. Đó là một cô gái nghịch ngợm, có nhiều buồn vui, giận hờn và không cần lo toan. Ngày xưa khi còn đi học, tôi cũng nhiều mơ mộng và từng muốn trở thành một nhà văn, cũng bay bổng với nhiều suy nghĩ. Nguyễn Nhật Ánh đã tái hiện lại tuổi thơ, ký ức của rất nhiều người, trong đó có tôi.

Còn trên văn đàn quốc tế, chưa có nhà văn nào khiến tôi thực sự thích thú. Có chăng đó chỉ là tình cảm dành cho từng tác phẩm, khi tôi tìm thấy bản thân trong đó hoặc được bổ sung nhiều kiến thức hữu ích. Có một giai đoạn, tôi như thần tượng Dan Brown với những tiểu thuyết siêu thực như Biểu tượng thất truyền, Mật mã Da Vinci bởi lượng kiến thức khổng lồ và tư duy vô cùng logic. Nhưng tất cả tình cảm cũng chỉ dừng ở đó thôi.



Tâm An

Bạn có thể quan tâm