Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 97 Luật Lao động năm 2012, người lao động do đặc thù công việc, đi làm vào ngày lễ sẽ được hưởng ít nhất bằng 300% tiền lương chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Trong khi đó, Điều 115 Luật Lao động cũng quy định, người lao động sẽ được hưởng 100% tiền lương ngày của ngày nghỉ lễ, Tết.
Như vậy, người lao động đi làm vào ngày Tết Dương lịch sẽ được nhận tối thiểu 400% tiền lương ngày bình thường.
Người lao động hưởng ít nhất 400% lương nếu đi làm vào dịp Tết, hưởng ít nhất 490% lương nếu làm vào tối 1/1. Ảnh: Liêu Lãm. |
Ngoài ra, đối với người lao động làm việc vào ban đêm, Khoản 2, Điều 97 Luật Lao động đã có quy định cụ thể. Theo đó, những người này được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Trong trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài việc trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền lương làm thêm giờ, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Như vậy, nếu làm thêm vào ban đêm trong dịp Tết Dương lịch, tổng tiền lương mà người lao động nhận được bằng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Đối với tiền thưởng dịp Tết Dương lịch, Khoản 1, Điều 103 Luật Lao động quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Nói cách khác, pháp luật không quy định người sử dụng lao động bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động.