Sáng mùng 1, các bác sĩ cùng nhiều người dân đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để hiến máu. Họ hy vọng những giọt máu của mình có thể cứu được nhiều người khác.
|
7h30 ngày 12/2 (mùng 1 Tết), tầng 2 Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra hoạt động hiến máu tình nguyện. |
|
Những người hiến máu đầu tiên sáng mùng 1 Tết là các y tá, bác sĩ tại bệnh viện. Họ là những người trực, làm nhiệm vụ từ đêm 30 Tết và ở lại hiến máu ngay sáng hôm sau. |
|
Kỹ thuật viên Trần Hải Long, khoa Hóa Sinh, đang được lấy máu xét nghiệm trước khi hiến tiểu cầu. Long cho biết anh đã hiến máu khoảng 10 lần. Việc lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra máu của người hiến có đáp ứng được các điều kiện và sàng lọc các loại bệnh. |
|
Sáng nay, Long rủ em vợ là anh Nguyễn Minh Hoàng đi hiến máu cùng. "Hôm nay tôi trực, tranh thủ lúc chưa có bệnh nhân thì đi hiến tiểu cầu", bác sĩ Long cho hay. Nói về khác biệt giữa hiến máu và hiến tiểu cầu, anh Long cho hay tiểu cầu cần yêu cầu cao hơn khi tiếp nhận, thời gian "sống" của tiểu cầu cũng ngắn hơn và thời gian hiến tiểu cầu lâu hơn hiến máu. |
|
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyển cho biết chị đã hiến máu 16 lần. "Tôi hiến máu nhiều, nhưng mỗi lần hiến máu đều có chút hồi hộp. Trước kia, tôi còn trẻ và gầy, đi hiến máu mà không đủ cân nặng. Vậy là khi về nhà, tôi quyết tâm ăn uống, tập thể dục vừa để cho bản thân khỏe mạnh, vừa đủ điều kiện được hiến máu. Đây là hoạt động rất ý nghĩa", chị Tuyển cho hay. |
|
Theo các bác sĩ, mặc dù số lượng máu tại viện hiện ở mức ổn, viện vẫn luôn cần tiếp nhận thêm máu, tiểu cầu hàng ngày. "Có hôm, viện dùng hết máu chỉ trong một ngày. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19, lượng máu cần tiếp cho bệnh nhân nhiều hơn. Tết đến, người dân về quê, máu tiếp nhận bị giảm nên các bác sĩ sẽ tích cực hiến trong những ngày này để bổ sung", anh Long cho hay. |
|
Ngoài các bác sĩ, nhiều người dân đến hiến máu, tiểu cầu sáng mùng 1 Tết. Ông Nguyễn Trúc (46 tuổi) đã hiến máu 138 lần từ khi ông 20 tuổi. "Tôi là người có lượng tiểu cầu cao, vì vậy tôi thường xuyên đi hiến. Bình thường, một tháng tôi đi hiến một lần nếu sức khỏe đạt yêu cầu", ông Trúc nói và cho biết hiện ông trở thành một nguồn cung cấp máu quen thuộc của viện. |
|
Khác với hiến máu, việc hiến tiểu cầu yêu cầu thiết bị hiện đại. |
|
"Tôi tranh thủ đi hiến máu sáng mùng 1 khi mọi người chưa đi chúc Tết", ông Đỗ Văn Thọ (48 tuổi, đến từ huyện Thạch Thất) nói. |
|
Tiến sĩ, bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, lì xì các y tá, bác sĩ và những người hiến máu. "Sự thành công của viện, của chúng tôi trong năm qua và sắp tới đều có sự đồng hành của những người hiến máu tình nguyện. Những người đã đến với chúng tôi, hy vọng sẽ quay lại, đặc biệt là những lúc thiếu hụt máu vì dịch bệnh. Chúng tôi xin bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn những người hiến máu", vị viện trưởng nói. |
|
Sau khi hiến máu, người hiến sẽ được bổ sung các dưỡng chất bằng bánh, sữa. Họ cũng được một gói quà cảm ơn từ viện khi ra về. |
|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia (giữa), cùng bác sĩ Trần Thị Tươi và điều dưỡng Đỗ Thị Xuân. Bác sĩ Tươi và điều dưỡng Xuân đã hiến máu trong sáng nay, còn bác sĩ Mai cho biết bà sẽ hiến chiều cùng ngày. |
|
Mỗi người hiến máu được cấp một giấy chứng nhận. Viện cũng cung cấp một phần mềm để người hiến máu theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như nắm được số lần hiến máu, ngày hiến và lượng máu đã hiến. |
Hiến máu sáng mùng 1 tết
Hà Nội
Hà Nội
hiến máu tình nguyện
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
hiến máu
hiến tiểu cầu
tết tân sửu
mùng 1 tết