Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

DF-41 chưa đủ để Trung Quốc cân bằng hạt nhân với Mỹ

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 có thể giúp Trung Quốc nâng cao năng lực răn đe hạt nhân nhưng Bắc Kinh chưa thể phá vỡ thế cân bằng hạt nhân với Washington.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41. Ảnh: Chinamil

Trung Quốc đang thử nghiệm ICBM DF-41

Website của Đài tiếng nói Mỹ (VOA) đưa tin, việc tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động trên bộ Đông Phong-41 (DF-41) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cộng thêm Đông Phong-31 (DF-31) và Đông Phong-5 (DF-5) được phóng thử, một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đến sự phát triển và năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan sát viên quân sự nói rằng, mặc dù DF-41 đã đánh dấu việc hiện đại hóa hệ thống tên lửa và nâng cao tổng thể khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nó vẫn không đủ để thay đổi thế cân bằng hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo giới truyền thông Mỹ, trước lễ thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/8, một báo cáo trên website chính phủ nước này đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Báo cáo này đã tiết lộ nội dung đảm bảo việc nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41. Phương Tây từ lâu đã phỏng đoán việc Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này, đến nay những quan ngại của họ đã được quan chức Trung Quốc chứng thực.

Trang web Hải đăng tự do Washington (The Washington Free Beacon) tháng 2 đã đăng bức ảnh của một tên lửa đạn đạo loại lớn của Trung Quốc đang di chuyển trên đường. Đây là lần đầu tiên DF-41 lọt vào tầm mắt của phương Tây.

Ngày 5/6, bản “Báo cáo thường niên về xu hướng phát triển quốc phòng và an ninh Trung Quốc” (tức Báo cáo quân lực Trung Quốc năm 2014) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập rằng, lực lượng pháo binh thứ hai của PLA được trang bị tên lửa liên lục địa DF-31A và đang phát triển tên lửa liên lục địa DF-41.

Tin tức cho biết, tầm bắn lớn nhất của tên lửa đạn đạo DF-41 có thể đạt tới 12.000 km, có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Đồng thời, loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân đa phân hướng, đa phương thức dẫn đường.

Ông Walzer, cựu quan chức tình báo Mỹ, nguyên ủy viên Ủy ban thẩm tra An ninh kinh tế Mỹ - Trung trực thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, vì có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, nên DF-41 sẽ giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể khả năng thâm nhập vào hệ thống phòng ngự tên lửa còn hạn chế của Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện phóng cơ động hoặc các tên lửa siêu thanh có khả năng tái nhập tầng khí quyển, để tăng lực xuyên phá của đầu đạn.

Ông Walzer cho hay, do DF-41 có tính cơ động, có thể phóng trên các phương tiện chuyên chở đường bộ, đường sắt và sử dụng nhiên liệu rắn, nên rất khó bị vệ tinh phát hiện. Đồng thời, thời gian chuẩn bị phóng của DF-41 nhanh hơn rất nhiều so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ nhiều hơn Trung Quốc, DF-41 thực sự đã nâng cấp năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh với Washington. Vì không một quốc gia nào muốn thấy vũ khí hạt nhân rơi vào lãnh thổ của mình, nên việc nâng cấp năng lực xuyên phá qua hệ các thống phòng thủ thực sự sẽ tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A. Ảnh: China News

Trợ lý giáo sư Robert Farley của Viện Ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson trực thuộc Đại học Kentucky - Mỹ cho biết, việc phát triển DF-41 cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng từ răn đe tối thiểu sang khả năng tấn công mạnh mẽ hơn, khả năng sinh tồn lớn hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có bước tiến triển lớn, nhưng Trung Quốc muốn phá vỡ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ thì còn phải đi một chặng đường rất xa. Hiện vẫn chưa có thông tin chứng minh Trung Quốc đã trang bị DF-41 cho quân đội.

Có DF-41, Trung Quốc cũng không thể đe dọa Mỹ

Nhà nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc trong thời gian dài Lâm Trường Thịnh cho biết, tuy Trung Quốc đã có bom nguyên tử, bom hydro và tên lửa hạt nhân từ trước đây rất lâu, nhưng chưa thực sự xây dựng khả năng răn đe hạt nhân đối với Mỹ.

Ông cho biết: "Trung Quốc hiện có vài loại tên lửa, nhưng DF-31A chỉ có thể chạm đến phía tây của Mỹ, còn DF-5 có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ, nhưng tính sinh tồn chiến lược của nó lại rất thấp".

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5. Ảnh: Chinamil

Ông giải thích rằng, DF-5 lưu trữ trong silo phóng cố định, sử dụng động cơ tên lửa, gồm hai tầng đẩy dùng nhiên liệu lỏng, kích thước rất lớn, đường kính đạn 3,35 m, chiều cao 40 đến 50 m, thời gian cần thiết để nạp nhiên liệu trước khi bắn rất lâu.

Ông Lâm Trường Thịnh cho hay, răn đe hạt nhân chiến lược hiện nay của Mỹ là bộ 3 tấn công hạt nhân từ trên không, dưới mặt đất và trên biển. Trên mặt đất, Mỹ dựa vào tên lửa giếng phóng ngầm; còn trên không thì dựa vào máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52. Đây là tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.

Nhưng lực lượng then chốt nhất trong tấn công hạt nhân chiến lược của Mỹ là trên biển. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Trident - II D5. Khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ chủ yếu là dựa vào lực lượng này, chứ không phải lực lượng trên bộ.

Về phương diện tàu ngầm hạt nhân trên biển, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Tầm bắn của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm liên lục địa Cự Lang-2 (JL-2) của Trung Quốc chỉ có hơn 8.000 km. Khả năng thực sự của nó vẫn chưa được kiểm chứng.

Theo ông, Trung Quốc muốn tấn công lãnh thổ Mỹ thì cần phải thông qua tàu ngầm hạt nhân, buộc phải đưa tàu ngầm hạt nhân đến Hawaii. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc mới chỉ có khoảng 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn - Type 094 có độ ồn lớn nên không thể thoát khỏi các phương tiện săn ngầm của Mỹ và đồng minh.

Robert Farley cũng cho rằng, do Mỹ có ưu thế dưới nước, nên tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Trung Quốc phải mất thời gian dài mới có thể trở thành mối đe dọa lớn với Mỹ. Hơn nữa, máy bay ném bom của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đủ khả năng để thoát khỏi sự truy đuổi của Mỹ.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc có bán kính tác chiến hơn 3.000 km, cùng với tầm phóng hơn 1.000 km của tên lửa hành trình CJ-10, nó không thể tấn công vượt qua khoảng cách 5.000 km. Với cự ly tấn công này, H-6 chưa đủ khả năng uy hiếp lãnh thổ Mỹ.

Lực lượng máy bay tiếp dầu trên không của Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém nên không thể nối dài phạm vi tác chiến của các máy bay ném bom chiến lược và tiêm kích hộ tống của họ. Đồng thời, biên đội bay này cũng không thể thoát khỏi sự truy quét của các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-35 và F-22.

Vì vậy, có thể nhận định, lực lượng răn đe hạt nhân bộ 3 kia của Trung Quốc còn xa mới uy hiếp Mỹ. Sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất là DF-41 cũng không thể cải thiện điều này.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/df-41-chua-du-de-trung-quoc-can-bang-hat-nhan-voi-my-3053646/

Theo Thanh Tâm/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm