Theo báo cáo của McKinsey công bố cuối năm 2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu đã giảm 93%. Đã có hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản. Ngoài ra, khoảng 200.000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ mất việc làm.
Cũng trong năm vừa qua, Inditex, chủ sở hữu thương hiệu Zara đã phải tuyên bố đóng cửa 1.200 cửa hàng. Số cửa hàng này tương đương 16% điểm bán lẻ của Inditex trên toàn cầu. Đa số điểm bán lẻ đóng cửa thuộc châu Á, châu Âu, hầu hết thuộc nhóm cửa hàng nhỏ của các thương hiệu Pull&Bear, Oysho and Stradivarius.
Tương tự, H&M từng đặt mục tiêu mở thêm 165 cửa hàng trong năm 2020, nhưng kế hoạch phải thay đổi vì dịch bệnh. Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đã phải đóng cửa khoảng 350 cửa hàng, chiếm 7% số điểm bán của hãng này trên toàn thế giới.
Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm vừa qua và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM | ||||||||||||
Nhãn | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 (Kế hoạch) | |
tỷ USD | 15.8 | 17 | 21 | 24.7 | 27.5 | 28.5 | 31 | 36 | 39 | 35 | 39 |
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng -10,5%, đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt vẫn thấp hơn nhiều mặt bằng chung thế giới.
Tính riêng tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao khoảng 9-36% cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành, cùng với đó là sự gia tăng thị phần nước ngoài.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex, cho biết theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may toàn cầu có thể phục hồi về mức tương đương năm 2019 sớm nhất là quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023.
Chính vì vậy, năm 2021 thị trường dự báo tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập.
Trước tình hình này, ngành dệt may Việt đã chủ động từ đầu năm khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn bằng nhiều giải pháp tổng hợp, dịch chuyển nguồn cung. Ngay từ đầu tháng 2, sản xuất các sản phẩm PPE phục vụ phòng dịch trong nước, đảm bảo nhu cầu, bình ổn giá, và từ tháng 3 đến tháng 6 thì đây là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngành đã xác định ngay từ đầu tháng 2, tài sản quan trọng nhất là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu phải đủ năng lực phục hồi ngay khi thị trường có dấu hiệu ấm lại.
Hiện tại, ngành dệt may trong nước đã cơ bản đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động hơn 4 triệu người, dù việc làm ít đi, thu nhập ít đi nhưng vẫn trên mức tối thiểu và không làm mất việc của người lao động.
Năm 2021, ngành dệt may trong nước dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp dự kiến phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Lãnh đạo Vinatex cũng cho biết muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ vải trở đi với Hiệp định EVFTA...