Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến mùa ngân hàng chia cổ tức

Nhiều ngân hàng trước đó hạn chế chia cổ tức nhưng đến nay liên tục trình cổ đông kế hoạch chia hết phần lợi nhuận giữ lại những năm trước và cả phần lợi nhuận dự kiến năm 2021.

Tài liệu bổ sung phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới công bố của MSB cho biết nhà băng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 30 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn thực hiện sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại từ các năm trước sau khi trích lập các khoản, quỹ, phù hợp theo quy định. Theo đó, ngân hàng dự tính chi 3.525 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức cổ phiếu và thực hiện tăng vốn này. Vốn điều lệ sau giao dịch của nhà băng dự kiến tăng lên 15.275 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, MSB có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.775 tỷ đồng, sau khi trừ các quỹ dự phòng tài chính, đầu tư phát triển… lợi nhuận còn lại của ngân hàng vừa đủ để thực hiện kế hoạch chia cổ tức theo tỷ lệ trên.

Trả cổ tức tỷ lệ cao

Ngoài ra, MSB cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận tăng 30% năm 2021, ước đạt 3.280 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 15%.

Tương tự, SHB cũng cho biết ngân hàng dự kiến chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu. Tỷ lệ cổ tức này bao gồm 10% từ phần lợi nhuận năm 2019 đã được cổ đông thông qua và 10,5% từ lợi nhuận năm 2020 (dự kiến trình cổ đông phê duyệt tại đại hội 2021).

Nếu kế hoạch chia cổ tức kể trên của SHB thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên tương ứng gần 21.300 tỷ đồng, cao hơn 21% so với hiện tại.

Den mua ngan hang chia co tuc anh 1

Hầu hết ngân hàng đều dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ phần lợi nhuận giữ lại các năm trước với tỷ lệ cao trong năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà.

Hiện tại, nhiều nhà băng khác cũng đang có xu hướng dùng hết phần lợi nhuận sau thuế giữ lại các năm trước để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ cao nhằm tăng vốn điều lệ.

Một nhà băng khác là VIB cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn năm 2021, trogn đó bao gồm hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40%.

Trong khi đó, cả ACB, OCB, HDBank, NamABank… hiện đều có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với phần lợi nhuận giữ lại các năm trước với tỷ lệ 10-30%.

Ngân hàng quốc doanh cũng đua cổ tức “khủng”

Không riêng nhóm ngân hàng tư nhân, xu hướng dùng hầu hết lợi nhuận giữ lại các năm trước để chia cổ tức cũng diễn ra tại nhóm ngân hàng quốc doanh, vốn là những ngân hàng “kén” chia cổ tức.

Cụ thể, trong các năm trước đó, các ngân hàng như VietinBank, BIDV, Vietcombank chủ yếu chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5-7% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 500-700 đồng tiền mặt) và vẫn giữ lại phần lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Tuy nhiên, sau đợt chi hơn 3.200 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8% vào đầu tháng 2 vừa qua, BIDV đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng.

Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%) và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%) trong quý III và IV năm nay.

Ngoài ra, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm liền trước, ban lãnh đạo BIDV cũng cho biết tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 sẽ không thấp hơn mức thực hiện năm liền trước.

10 NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CÓ VỐN ĐIỀU LỆ LỚN NHẤT
Đến cuối năm 2020
NhãnHDBankSHBSacombankACBVPBankMBBankTechcombankVietcombankVietinBankBIDV
Vốn điều lệ tỷ đồng 16088175581885221616253002798835049370893723440220

Không riêng BIDV, cả Vietcombank và VietinBank đều có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu năm nay.

Trong đó, VietinBank đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 28,8%. Dự kiến, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu mới để phục vụ kế hoạch này.

Đặc biệt, trước khi chia cổ tức cổ phiếu, VietinBank đã chi gần 1.900 tỷ để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 5% vào cuối năm 2020.

Vietcombank cũng là nhà băng đã trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8% cho cổ đông trong tháng 1/2021. Cùng với đó, ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021 lên tối đa 46.176 tỷ đồng.

Trong đó, nhà băng này dự kiến phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 18%. Bằng kế hoạch này, Vietcombank dự kiến tăng thêm khoảng 6.676 tỷ vốn điều lệ, đẩy vốn sau chia cổ tức của nhà băng lên tối đa 43.765 tỷ đồng. Thời gian chi trả có thể diễn ra trong quý III và IV năm nay.

Phần vốn tăng thêm còn lại sẽ đến từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng đẩy mạnh chia cổ tức cổ phiếu nhằm mục đích chính là tăng vốn để đáp ứng các hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Thông tư 41/NHNN.

Những năm trước, việc tăng vốn từ hoạt động phát hành cổ phiếu mới đều khó khăn tại hầu hết ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh. Vì vậy, việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giảm bớt áp lực về câu chuyện vốn vốn.

Lãnh đạo một ngân hàng mới niêm yết trên HoSE cho biết lý do các ngân hàng chọn thời điểm này để tăng vốn thông qua chia cổ tức ngoài việc đáp ứng chuẩn Basel II còn do các nhà băng đã trải qua giai đoạn dài trích lập dự phòng rủi ro từ năm 2016.

Theo đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình của nhiều ngân hàng đã đạt mức cao nhất 3 năm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu việc các ngân hàng tăng vốn thời điểm này (đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh) có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41, việc bổ sung vốn cho các nhà băng còn làm giảm thiểu tác động từ nợ xấu do dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động ngân hàng.

Theo vị chuyên gia, trong số các biện pháp tăng vốn hiện tại, kênh tăng vốn là từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi và dễ thực hiện nhất với các nhà băng.

Cổ phiếu ngân hàng đua nhau lên đỉnh

Thị giá cổ phiếu nhiều nhà băng lập kỷ lục trong tuần qua với kỳ vọng về việc lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh.

Trái chiều lãi suất tiền gửi

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục phân hóa tại các ngân hàng, trong khi đa số nhà băng giữ xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng tư nhân lớn lại ngược chiều tăng mạnh.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm