Máy bay tuần tra P3-C Orion của lực lượng Nhật cất cánh từ Philippines để tuần tra Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, các quan chức quân sự Nhật và Philippines cho biết máy bay tuần tra P3-C Orion của lực lượng Nhật, chở 3 sĩ quan Philippines trong vai trò khách mời, đã bay ở độ cao hơn 1.500 m phía trên rìa khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) hôm 23/6. Một máy bay tuần tra cỡ nhỏ của quân đội Philippines cũng tháp tùng chiếc P3-C Orion.
Khu vực này nằm gần địa điểm nơi Trung Quốc đang lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là một phần trong cuộc tập trận chung giữa Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) và Hải quân Philippines ngoài khơi đảo Palawan. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có mặt tại đây và lần đầu hợp tác với phía Philippines (để tuần tra trên Biển Đông)”, Tư lệnh MSDF Hiromi Hamano tuyên bố từ Palawan.
Trước Nhật, quân đội Mỹ từng triển khai một máy bay P3-C Orion tới tuần tra ở khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép. Chính phủ Australia cũng tuyên bố sẽ triển khai máy bay và tàu chiến tuần tra Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.
Tiếp tục quân sự hóa Biển Đông
Những động thái mạnh mẽ của Mỹ, Australia và Nhật cho thấy cộng đồng quốc tế rất lo ngại nguy cơ Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để hiện thực hóa ý đồ chiếm trọn chủ quyền vùng biển tối quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Trung Quốc luôn chỉ dùng một giọng điệu cũ và vô lý để phản đối là Mỹ, Australia hay Nhật không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên không được quyền can thiệp vào khu vực.
Hôm 23/6, Tân Hoa xã lên án cuộc tập trận chung của Nhật và Philippines là “hành vi gây rối của Nhật”. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Tokyo và Manila “không gây căng thẳng” trên Biển Đông.
Tuy nhiên, như các quan chức Mỹ cảnh báo, nguy cơ gây căng thẳng lớn nhất trên Biển Đông hiện nay là khả năng Trung Quốc đưa vũ khí tấn công tới các đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Mới đây, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn tin từ Không quân Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh sẽ triển khai máy bay chiến đấu hiện đại J-11 tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Máy bay J-11 có tầm hoạt động 1.500 km. Trung Quốc đã xây 2 đường băng trên các đảo nhân tạo, trong đó có một đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập, đủ sức tiếp nhận
máy bay J-11.
Giới học giả quốc tế cũng lo ngại quân đội Trung Quốc sẽ điều tàu ngầm tới hoạt động bí mật trên Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia và giáo sư Barnard Cole thuộc ĐH Hải quân Mỹ đều nhận định Bắc Kinh có ý đồ điều tàu ngầm tới Biển Đông để tránh sự giám sát của lực lượng Mỹ.
Đô đốc William Gortney, Tư lệnh Bộ chỉ huy phía Bắc của Mỹ, cũng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ mọi cử động của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.
Các chuyên gia vũ khí đánh giá đa số tàu ngầm của Trung Quốc khá ồn ào, do đó dễ bị lực lượng Mỹ phát hiện khi di chuyển tới Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi Trung Quốc cải thiện tầm bắn tên lửa, các tàu ngầm nước này chỉ cần giấu mình dưới đáy Biển Đông và vẫn có thể đe dọa được các mục tiêu Mỹ trong khu vực.
Tiếp tục đối đầu
trên biển
Hôm 23/6, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhận định Trung Quốc đang tìm mọi cách thách thức vị thế của quân đội Mỹ cả trên biển và trên không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Work cho biết Bắc Kinh đang nỗ lực san lấp khoảng cách công nghệ quốc phòng với Washington, liên tục phát triển máy bay chống radar, máy bay do thám công nghệ cao, tên lửa hiện đại và các loại vũ khí điện tử tối tân. Theo ông, Lầu Năm Góc đang phát triển các công nghệ quốc phòng mới để duy trì lợi thế trước Trung Quốc.
Bloomberg dẫn lời sĩ quan chỉ huy Rich Jarrett của chiến hạm USS Fort Worth cảnh báo các tàu Mỹ chắc chắn tiếp tục đụng độ tàu hải quân Trung Quốc khi tuần tra Biển Đông trong thời gian tới.
Hồi tháng 5, tàu USS Fort Worth đã bị một tàu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn khi tuần tra trên vùng biển gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép.
“Chúng tôi sẽ phải đối mặt với những cuộc đối đầu tương tự bởi chúng tôi tiếp tục hoạt động trong khu vực”, ông Jarrett nhấn mạnh.
Tàu USS Fort Worth đang có mặt ở Philippines để tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines.
Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia quốc tế và các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Hải quân Mỹ điều tàu chiến và máy bay tới khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép.
Đây được xem là một biện pháp mạnh mẽ để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Đô đốc hải quân Mỹ Michelle Howard mới đây từ chối xác nhận thông tin thực tế tàu USS Fort Worth đã đi vào khu vực 12 hải lý này trong cuộc tuần tra tháng trước.
Đối thoại căng thẳng ở Washington
Hôm 23/6, cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) chính thức bắt đầu tại Washington với những chủ đề nóng như Biển Đông và an ninh mạng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken đã đối thoại rất thẳng thắn với người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại về “các vấn đề an ninh nhạy cảm nhất”.
Mỹ từng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay hành vi xây đảo nhân tạo trái phép.