Thủ tướng Scott Morrison cho rằng không có gì "ngạc nhiên" khi Australia tẩy chay sự kiện này về mặt ngoại giao, bởi "mối quan hệ với Trung Quốc đã tan vỡ trong những năm gần đây".
"Tôi quyết định như vậy vì lợi ích quốc gia của Australia", ông nói trong tuyên bố ngày 8/12, ABC News đưa tin. "Đó là điều đúng đắn".
ABC xác nhận việc tẩy chay sẽ bao gồm cả các quan chức Australia đã ở Trung Quốc. Ủy ban Olympic Australia (AOC), dự kiến cử khoảng 40 vận động viên tham dự, ủng hộ động thái này.
Chính phủ Australia theo bước Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Guardian từng nhận định chính phủ ông Morrison sẽ xem xét viện dẫn các biện pháp phòng dịch Covid-19 là lý do để tẩy chay Olympic Bắc Kinh, khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi Australia theo chân Mỹ.
Chính phủ Australia luôn theo dõi chặt chẽ các động thái của Mỹ khi tiến hành tẩy chay ngoại giao. Vương quốc Anh và Canada cũng đang xem xét hành động của mình.
Trong khi đó, chính phủ New Zealand hôm 7/12 cho biết họ sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng đến Olympic Bắc Kinh năm 2022, vì "một loạt các yếu tố, nhưng chủ yếu là liên quan đến Covid-19".
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ không cử đại diện hoặc quan chức ngoại giao tới Olympic và Paralympic mùa đông ở Bắc Kinh. Vận động viên Mỹ vẫn sẽ tham gia thi đấu.
Việc cử đại diện tới Bắc Kinh sẽ thể hiện “mọi chuyện vẫn bình thường” nhưng Mỹ “không thể làm như vậy” trong lúc hai nước bất đồng về nhiều vấn đề, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trong họp báo ngày 6/12.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích những người kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 đã hành xử quá đà. Ông nói nếu có tẩy chay, đối tượng là "các vận động viên, thay vì chính trị gia" mới đáng quan tâm.