Tại TP.HCM, từ sau 16h, mây đen bao phủ nhiều khu vực trong thành phố, trời không mưa.
Ảnh mây vệ tinh và ảnh radar thời tiết lúc 17h45 cho thấy mây đối lưu phát triển ở một số huyện như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ. Dự báo đến 21h, những vùng mây này sẽ tiếp tục phát triển gây mưa rào và dông cho các khu vực kể trên.
Sau đó, mưa sẽ tiếp tục lan ra các vùng lân cận, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật.
Các khu vực còn lại của thành phố dự báo ít mây, đêm không mưa. Nhiệt độ trong khoảng 25-27 độ C. Độ ẩm từ 80 đến 90%.
Quận Gò Vấp ngập lênh láng sau cơn mưa tối 14/9. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến 20/9, hiện tượng thời tiết xấu và mưa diện rộng sẽ tiếp tục duy trì ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ. Có nơi mưa to đến rất to. Người dân cần đề phòng ngập úng ở khu vực trũng, thấp.
Nguyên nhân gây mưa diện rộng là ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục vắt qua Nam Trung Bộ kết hợp vùng áp thấp nhiệt đới. Hiện tượng này tạo thành dải hội tụ nhiệt đới khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh.
Trước đó, chiều tối và đêm 14/9, khu vực Nam Bộ có mưa, mưa rào diện rộng, có nơi mưa rất to. Lượng mưa ghi nhận từ 19h ngày 14/9 đến 7h ngày 15/9 tại các điểm đo như sau: Đồi 95 Tây Ninh là 89,4 mm; Kà Tum - Tây Ninh là 67,4 mm; Bình Long - Bình Phước là 49 mm; U Minh - Cà Mau là 27,6 mm.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, từ nay đến cuối năm, Biển Đông có thể xuất hiện thêm 6-8 cơn áp thấp nhiệt đới và bão. Trong số đó, 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông cũng xuất hiện nhiều. Mùa bão thường kéo dài về các tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng nhận định nhiệt độ nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục lạnh hơn và khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm. Đây là trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường, trái ngược với El Nino.
Khi chịu tác động của La Nina, mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ thường xuyên xuất hiện mưa trái mùa. Do mùa bão hoạt động muộn, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của bão lũ dồn dập. Mùa bão có thể kéo dài sang các tháng đầu năm 2021.