Chiều 4/7, căn nhà nằm bên triền đê thôn Cao Bắc (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đông người hơn thường lệ. Từ sáng sớm, người dân địa phương tập trung về đây để lo hậu sự cho vợ chồng anh Nguyễn Như Thắng, chị Nguyễn Thị Yến (cùng 46 tuổi).
Chiếc rạp được dựng vội. Phía trong sân, hai chiếc quan tài để sẵn chờ đến giờ khâm liệm. Con đường lầy lội dẫn vào nhà anh Thắng cũng vừa được hàng xóm đổ một lớp đất mới nhằm thuận lợi cho việc đưa tang.
Nhiều người dân địa phương tập trung lo hậu sự cho vợ chồng anh Thắng. Ảnh: Hoàng Đông. |
Đêm mưu sinh trong bão tố
Nét mặt buồn bã, anh Nguyễn Minh Tân (48 tuổi) cho biết vợ chồng em họ mình có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ chồng anh Thắng sinh được 4 người con, ba gái, một trai. Gia đình còn có mẹ già năm nay 70 tuổi, hay đau ốm. Cặp vợ chồng làm nghề buôn bán hải sản để kiếm sống.
Nhờ nghề này, họ nuôi các con trưởng thành. Hàng ngày, hai vợ chồng ngư dân dậy từ 2h sáng. Họ đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi mưu sinh.
Anh Tân kể trước kia vợ chồng anh Thắng thường đi đường quốc lộ 1 qua Nghệ An buôn bán hải sản về nhập cho hàng quán và bán lẻ ở chợ. Vài năm gần đây, con đường 513 vào Khu kinh tế Nghi Sơn hoàn thành, giúp đường đi làm ăn của hai vợ chồng họ gần hơn. Vì thế, vợ chồng anh Thắng chọn đi qua đây để vào tỉnh bạn mua hàng.
Người thân, hàng xóm xót thương mỗi khi nhìn vào di ảnh của cặp vợ chồng xấu số. Ảnh: Hoàng Đông. |
Rạng sáng 4/7, anh Thắng và vợ thức dậy sớm như hàng ngày. Thấy mưa nhỏ, gió nhẹ, họ nhận định là bão không ảnh hưởng lớn vì đã có nhiều năm kinh nghiệm trong mùa bão.
Sau khi chuẩn bị khay nhựa, đồ đạc, anh Thắng đèo vợ bằng xe máy rời khỏi nhà trong đêm mưa. Thời điểm này, ở địa phương mất điện, đèn đường không sáng.
Qua nhiều giờ mưa lớn, phía nam cầu Yên Hòa bị sạt lở, mặt đường sụt lún tạo thành những vết vỡ nứt rất lớn. Do bị hạn chế tầm quan sát, vợ chồng anh Thắng cùng phương tiện lao thẳng xuống hố sâu. Khối đất đá đổ sập lên cặp vợ chồng.
Nhà chức trách địa phương huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện cơ giới đến hiện trường. Đến 7h cùng ngày, thi thể họ mới được đưa ra khỏi điểm sạt lở.
Hai chiếc quan tài để sẵn ở trước nhà đợi giờ khâm liệm. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Họ mất đi nhưng các con chưa về kịp"
Người anh họ cho biết vợ chồng anh Thắng mất đi nhưng các con vẫn chưa về kịp. “Hai cháu gái đầu lập gia đình ở xa, cháu gái thứ ba sinh năm 2000 và con trai út 16 tuổi cũng phải bỏ học sớm để đi làm ăn ở các tỉnh khác. Các cháu đang trên đường về”, anh Tân xót xa.
Bà Trương Thị Kha, 48 tuổi, hàng xóm nhà anh Thắng cho biết khi nghe tin dữ, cả xóm rất bàng hoàng. Biết gia đình anh Thắng neo người, các cháu thì ở xa, hàng xóm không ai bảo ai, chạy qua giúp đỡ việc hậu sự.
“Vợ chồng cô chú ấy hiền và làm ăn siêng lắm. Cũng vì thế, mà dáng dấp họ lúc nào trông cũng gầy gò, khắc khổ”, bà Kha nói.
Cũng theo người hàng xóm, vợ chồng anh Thắng cùng mẹ già và các con trước kia sống trong căn nhà lụp xụp. Năm ngoái, họ vay mượn ngân hàng cả trăm triệu đồng cộng với số tiền tích góp lâu nay mới cất được căn nhà mới.
“Họ mất đi, số tiền nợ vẫn còn đó. Cháu lớn lấy chồng, các cháu nhỏ thì làm chắc mới chỉ đủ nuôi thân, giờ không biết sao đây. Mong các cấp chính quyền, ngân hàng xem xét, coi có cách nào giúp đỡ các con cô chú ấy với”, bà Kha chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh hỗ trợ nạn nhân tử vong mỗi người 20 triệu đồng để lo hậu sự. 3 người bị thương, mỗi người nhận hỗ trợ 4 triệu đồng/người.
“Đây là sự cố đáng tiếc, xảy ra vào đêm tối nên hậu quả đã gây thiệt hại về người”, ông Quyền nói.
Hiện trường vụ sập cầu Yên Hòa. Ảnh: Hoàng Đông. |
Trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 2 trút xuống đêm 3/7 khiến phần mố phía nam cầu Yên Hòa, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị sạt lở tới 20 m, đổ sập gần như hoàn toàn.
Khoảng hơn 3h sáng, 5 người đi xe máy qua cầu và lao xuống điểm sụt lún. Vụ việc khiến anh Nguyễn Như Thắng và vợ là Nguyễn Thị Tâm (cùng 46 tuổi, trú xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia) tử vong. 3 người khác cũng bị thương nặng, phải nhập viện.