Tối 31/1 (tức 29 Tết), tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, trái ngược với cảnh đông vui như mọi năm là một bầu không gian tĩnh mịch, thưa thớt người tụ tập vui chơi. |
Nhiều con đường ở Hà Nội vắng vẻ, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Trên các tuyến phố chính cũng vắng bóng băng rôn, biểu ngữ đón chào năm mới hơn mọi năm. |
“Dù tình hình dịch bệnh có căng thẳng nhưng giao thừa vẫn là một thời khắc ý nghĩa trong năm, vì thế tôi muốn cùng đại gia đình ra đường vui chơi, tận hưởng không khí xuân trong đêm nay”, chị Loan (Hà Đông) chia sẻ. |
Ba em nhỏ Minh, Hân và Vi (Hà Nội) theo bố mẹ lên bờ hồ vui chơi đón năm mới. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, các em được cha mẹ trang bị khẩu trang và kính chống giọt bắn. |
Anh Việt đưa vợ và hai con gái đi chơi tại phố đi bộ Phùng Hưng. Theo anh đường phố khá đông bởi nhiều người không về quê mà ở lại Hà Nội đón Tết. |
Linh và Huyền (Đông Anh, Hà Nội) đi cùng bố đến phố bích họa chụp ảnh kỷ niệm. Linh cho biết do năm nay thành phố không bắn pháo hoa, hai em chỉ đi chơi một lúc rồi về đón giao thừa cùng gia đình. |
Càng gần đến thời khắc chuyển sang năm mới, không khí tại Hà Nội càng yên tĩnh hơn. Bà Lê Thị Vượng (phố Hàng Đường) cùng nhiều gia đình hàng xóm chuẩn bị mâm cúng ngoài trời. Mâm lễ đơn giản chỉ gồm một con gà, một lọ hoa, đĩa xôi, vài quả quýt cùng 3 chén rượu được bà chuẩn bị từ chiều tối. |
Đúng thời khắc giao thừa, người dân phố cổ Hà Nội thực hiện phong tục đi lễ chùa đầu năm cầu may. |
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ sở tôn giáo phải đóng cửa không tiếp khách, người dân đứng ngoài đường bái vọng. |
Bà Hương (nhà ở phố Đồng Xuân) thành tâm cầu khấn cho một năm mới có nhiều sức khỏe, tài lộc và cuộc sống mau chóng ổn định, bệnh dịch sớm chấm dứt. |
1h sáng ngày 1/2 (tức mùng 1 Tết), các con phố ở Hà Nội dần chìm vào giấc ngủ, chỉ còn vài đốm lửa nhỏ từ các hộ dân thực hiện thủ tục hóa vàng. |