Sau gần 5 ngày, 4 đêm đi lạc trong rừng sâu, cháu Đặng Tiến Lâm (SN 2018, ở thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên) được tìm thấy cách vị trí mất tích khoảng 6km. Đến hiện tại, tâm lý, sức khỏe cháu đang dần hồi phục.
Chị Phái xúc động không tin khi gặp lại cháu Lâm. |
Sáng 22/8, có mặt tại Trung tâm Y tế xã Lâm Giang, nơi cháu Lâm đang điều trị, Lâm đang say giấc. Trên gương mặt vẫn xanh xao, chân tay nhiều vết trầy xước vì đi rừng cùng với nhiều vết mụn do muỗi đốt.
Trao đổi với Tiền Phong, chị Lý Thị Phái (SN 1991, mẹ cháu Lâm) cho biết, đêm qua cháu Lâm giật mình 3 lần, miệng liên tục lẩm bẩm nói “con không muốn lăn, không muốn lăn nữa đâu”.
Nghe con nói, chị chỉ biết ôm con vào lòng an ủi, động viên: “con về nhà rồi, mẹ đây rồi con ơi”.
Chị Phái tâm sự, tối qua (ngày 21/8) Lâm tâm sự, khi đi lạc trong rừng cháu vừa đi, vừa gọi “Mẹ ơi”, “Mẹ đâu rồi” “Sao mẹ không trả lời con”. Cháu đi đến đâu mệt quá thì ngồi xuống nghỉ, nghỉ một lúc lại đứng dậy đi tiếp, lại gọi mẹ. Khi đói, cháu tìm quả trám, cây chít để ăn, khát thì tìm xuống suối uống nước.
Cháu kể, trên đường đi, do địa hình rừng núi, cháu nhiều lần bị trượt chân ngã lăn nhiều vòng trên đồi rừng khiến chân, tay nhiều vết bầm tím, bị rách và trầy xước. Đến tối cháu tìm gốc cây, phiến đá để nằm ngủ.
Trưa 21/8, khi được chính quyền địa phương thông báo tìm thấy cháu tại thôn Bo, xã Lang Thíp, gia đình đến nhận cháu, khi đến chỉ thấy một cháu nhỏ gầy gò, xanh xao, chân tay lấm lem, không nhận ra là con mình.
Phải đến khi một cán bộ bảo “Thằng Lâm đấy chị, chị đến gặp cháu đi”. Tôi đi đến gần, cháu giơ hai tay ra với giọng yếu ớt gọi "Mẹ".
“Lúc này tôi mới nhận ra cháu, ôm cháu vào lòng, hai mẹ con bật khóc nức nở”.
Hiện cháu Lâm đang điều trị tại Trung tâm Y tế xã Lâm Giang. |
Rơm rớm nước mắt, chị Phái kể lại sự việc lạc mất con. Theo đó, chiều 17/8, cháu Đặng Thị Mấy (SN 2011) – chị gái Lâm, về nói không thấy cháu Lâm đâu, mấy anh chị đi cùng nhau về nhà, nhưng Lâm rẽ vào khu đồi sắn rồi mất tích.
Cả gia đình tá hỏa đi tìm, biết được tin các hộ dân trong thôn cũng chia làm các ngả vừa đi, vừa gọi, vừa tìm nhưng đều không thấy tung tích của cháu. Sau đó, chính quyền địa phương rồi lực lượng chức năng cũng đến tìm nhưng đều không thấy cháu.
“Gia đình rất lo lắng, cháu là con trai duy nhất, trên cháu còn 3 chị gái, cả nhà đến bữa cơm không muốn ăn, cũng không có tâm trạng để ăn, lo nghĩ con còn nhỏ, không biết giờ đang như thế nào, ăn uống gì chưa? ăn như thế nào?"...
Cả nhà đều chia nhau cùng các lực lượng đi tìm từ sáng đến đêm, vừa đi vừa gọi cháu. Thấy ai mách là lại nhờ bà con chia đi tìm theo các hướng, nhưng đều không có hồi âm.
Trong những ngày cháu Lâm đi lạc, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm lượt người tìm kiếm. |
Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ cháu đi lạc gần đó, mệt ngủ rồi lúc sau sẽ về, nhưng rồi một ngày, hai ngày lại 3 ngày trôi qua không thấy dấu vết của cháu. Gia đình hoảng sợ, từ các chị cháu đến bản thân khóc nhiều, gọi nhiều đến khản cổ, đứa thứ 3 (Đặng Thị Nga) vì đi tìm và thương em còn lăn ra ốm. Cả nhà cũng có thời điểm tuyệt vọng vì cháu mất tích quá dài, cháu còn quá nhỏ. Nhưng cũng mong là có điều thần kỳ đến với con.
Khi được gặp lại nhau, từ người chồng hàng ngày gương mặt lạnh lùng cũng rơi nước mắt vì hạnh phúc, các chị của Lâm ôm em vào lòng.
Chị tâm sự, đến hiện tại cháu vẫn mệt mỏi và suy nhược, nhưng cháu trở về được với gia đình là điều may mắn. Biết được thông tin, bà con nhân dân, lãnh đạo huyện và các ban ngành đều đến thăm hỏi, động viên, gia đình đều rất biết ơn. Hiện, gia đình tập trung chăm sóc, giúp cháu Lâm sớm hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý để quay lại trường học.
Lãnh đạo huyện Văn Yên trao bằng khen biểu dương các tập thể, cá nhân. |
Nhằm biểu dương những nỗ lực của các lực lượng chức năng và bà con nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên quyết định khen thưởng đột xuất đối với 6 tập thể và một cá nhân đã nỗ lực, cố gắng trong công tác tìm kiếm bé trai đi lạc trong rừng ở thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.