UBND tỉnh Tây Ninh vừa có tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ GTVT, nội dung đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh vào quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2030, tầm nhìn 2050.
Địa phương định hướng sân bay Tây Ninh là sân bay cấp 4E, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn A350, B787... Công suất dự báo đến năm 2030 là khoảng 1 triệu khách/năm.
Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) kết nối với Campuchia. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Tỉnh đã dành quỹ đất xây sân bay tại vị trí dân cư thưa thớt, gần các tuyến đường quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 22, 22B, 22C... kết nối thuận lợi với khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch quốc gia của tỉnh.
Sân bay Tây Ninh được kỳ vọng hỗ trợ phát triển khu kinh tế - xã hội của tỉnh và khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng gửi Thủ tướng đề xuất bổ sung dự án sân bay Tân Quang vào quy hoạch sân bay toàn quốc.
Địa phương chọn vị trí sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang. Sân bay có quy mô cấp 4C, sử dụng cho cả quân sự và dân sự.
Tỉnh Hà Giang kỳ vọng sân bay sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế, phát huy các giá trị du lịch như Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...
Trong văn bản, địa phương chưa nêu tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn cho dự án, chỉ xác định sân bay sẽ đầu tư trước năm 2030.
Điểm chung của Hà Giang và Tây Ninh khi đề xuất quy hoạch sân bay là đều nhắc đến vị trí vùng biên có chiến lược cả về kinh tế và an ninh quốc phòng của địa phương mình.
Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050, trong đó không có sân bay Tân Quang và Tây Ninh.