Theo đề xuất trên, cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện tại khoảng 1,1 km về phía thượng lưu.
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 4,05 km với điểm đầu tại điểm giao giữa quốc lộ 1 và đường dẫn cầu Mỹ Thuận hiện tại thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang; điểm cuối tại đầu tỉnh Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận. |
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là cầu dây văng có bề rộng 32 m với 6 làn xe. Nhịp chính của cầu được xây dựng kết cấu dây văng với sơ đồ nhịp là 240 m + 550 m + 240 m, nhịp dẫn là dầm Super T, dài 40 m. Phần đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, rộng 33 m, đủ 6 làn xe.
Ban quản lý dự án 7 (PMU 7) ước tính tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 25 tỷ yên, tương đương 4.545 tỷ đồng. Trong đó, vay ODA Nhật Bản 20 tỷ yên, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ VN.
Theo PMU hiện nay 3 trong số 4 cầu lớn của Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được xây dựng gồm: cầu Cổ Chiên hoàn thành vào tháng 6/2015, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống đang xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Với tính toán lưu lượng giao thông thiết kế giờ cao điểm và sự phân bố giao thông khi hoàn thiện cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, nếu không xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 thì cầu Mỹ Thuận hiện có trên quốc lộ 1 sẽ bị quá tải, gây ùn tắc giao thông với lưu lượng xe lên tới trên 3.500 xe tiêu chuẩn/giờ.
Do đó việc xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là một phần của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là rất cần thiết và cấp bách khi các cây cầu lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được đưa vào sử dụng.