Ngày 30/9, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến UBND 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu để góp ý dự thảo phương án lưu thông giữa TP.HCM với địa phương này.
Theo dự thảo, 5 nhóm có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa các địa bàn là: Vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; người dân đi khám chữa bệnh và đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, các xe vận tải hàng hóa lưu thông đến và ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR).
Xe có lộ trình quá cảnh qua thành phố thì không được dừng, đỗ trong suốt quá trình lưu thông qua địa bàn, trừ trường hợp bất khả kháng như phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên xe.
Đối với hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia, doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn và ngược lại phải đáp ứng 2 điều kiện là đã tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Xe đưa rước công nhân phải là ôtô khách từ 10 chỗ trở lên; xe vận chuyển chuyên gia là ôtô 9 chỗ thuộc sở hữu của đơn vị, xe cá nhân của chuyên gia hoặc thuê xe từ đơn vị kinh doanh vận tải.
Xe đưa rước công nhân phải là ôtô khách từ 10 chỗ trở lên, xe chở chuyên gia là xe từ 9 chỗ thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc xe cá nhân của chuyên gia. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối là Ban Quản lý khu chế xuất, Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các hiệp hội để đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, sau đó gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm thủ tục cấp giấy nhận diện.
Sở GTVT tỉnh, thành phố có trách nhiệm cấp giấy nhận diện cho xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các đơn vị từ TP.HCM đến làm việc tại địa phương mình sau khi thống nhất phương án.
Tài xế mang theo danh sách và kiểm soát chặt chẽ người đi xe; thực hiện nghiêm nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”; không được dừng, đỗ dọc đường, trừ trường hợp khẩn cấp.
Xe chở hàng hóa là một trong những đối tượng được ưu tiên lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh lân cận. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đối với hoạt động công vụ, công chức, viên chức của các tổ chức chính trị xã hội; sở, ngành của các tỉnh, thành phố tham gia hoạt động công vụ trên địa bàn và ngược lại di chuyển bằng ôtô phải đáp ứng 3 điều kiện là tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thư mời, giấy giới thiệu của cơ quan.
Đối với người từ các tỉnh đến TP.HCM khám chữa bệnh (trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ) và đảm bảo một trong 2 điều kiện là có giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP.HCM; hoặc xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh.
Giấy xác nhận cần thể hiện đầy đủ thông tin về người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Hoạt động đi đến sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn 8272 và công văn số 8573 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết sau 30/9, thành phố duy trì 12 chốt kiểm soát ra, vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Chốt kiểm soát kiểm tra phương tiện, người đi đường bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Thành phố tăng cường kiểm soát lưu động tại điểm mật độ đi lại cao.
Tính đến 30/9, TP.HCM ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.