Để giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động và chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy và mất đơn hàng, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch hiệp hội HBA vừa có văn bản kiến nghị TP cho phép xây bệnh viện dã chiến tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Hiện, Công ty Sepzone Linh Trung đang cùng một số nhà đầu tư đề xuất Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho phép xây dựng bệnh viện dã chiến để chủ động phòng chống dịch. Công ty chọn Khu chế xuất Linh Trung 2 với nhà xưởng có sẵn là 1.800 m2 cùng trang thiết bị sẽ được đóng góp từ nhiều phía.
Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM) thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu với quy mô 500 giường. Ảnh: Chí Hùng. |
HBA cho biết mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đang cho triển khai thực hiện mô hình bệnh viện dã chiến tại các khu công nghiệp. Trong đó, bệnh viện dã chiến tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC), Trảng Bàng với quy mô 600 giường; Bệnh viện dã chiến khu công nghiệp Phước Đông, trong đó Công ty Đầu tư Hạ tầng giao 1,5 ha đất sạch và tỉnh đầu tư xây dựng trang thiết bị toàn bộ vận hành, quy mô 500 giường.
Khu chế xuất Linh Trung 3 (Trảng Bàng) cũng dự kiến giao đất hoặc nhà xưởng cho Tây Ninh xây dựng bệnh viện dã chiến như hai mô hình trên.
Cùng với đề xuất xây bệnh viện dã chiến, HBA cũng kiến nghị cơ quan y tế các cấp và bệnh viện hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ y tế tạo điều kiện cho từng nhà máy, doanh nghiệp chủ động xét nghiệm nhanh theo quy trình giám sát công nhân viên tại chỗ.
Ngoài ra, hiệp hội cũng kiến nghị TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại Khu công nghiệp Cát Lái, Cảng Cát Lái...
"Phần lớn các doanh nghiệp Khu công nghiệp Cát Lái là hoạt động kho vận, lực lượng công nhân đang hoạt động trong tuyến đầu xuất nhập khẩu hàng hóa như: Tài xế container, xe tải, xe nâng, bốc xếp, kiểm hàng...", lãnh đạo hiệp hội cho biết.
Song song đó, HBA cũng kiến nghị cho doanh nghiệp 2 lần xét nghiệm PCR và giãn cách tập trung 3 ngày hoặc 2 lần xét nghiệm (1 lần PCR và 2 lần test nhanh), giãn cách tập trung 7 ngày.
Về lâu dài, các doanh nghiệp mong muốn có 1 kịch bản, kế hoạch phục hồi kinh tế thời "hậu Covid-19", trong đó có phần hỗ trợ các khoản vay mới cho doanh nghiệp, thu dụng lao động nhằm tái sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Theo HBA, tính đến đầu tháng 8, có gần 50% doanh nghiệp của 17 khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM đăng ký thực hiện "3 tại chỗ". Gần 84% trong số này đạt quy chuẩn "3 tại chỗ", còn 92 nhà máy đang bổ sung thêm các điều kiện cần thiết.