Trong văn bản, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM - nhận định giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực.
"Chưa kể, doanh nghiệp thiếu cơ sở vật chất phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn và rất nhiều khó khăn khác", ông đánh giá.
Đồng thời, ông Hải cho rằng phương án này trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kìm hãm được đà lây lan của dịch bệnh.
"Bởi vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho việc hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây là do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất. Vissan, công trường xây dựng của Hòa Bình, xưởng sản xuất gạch bông của Secoin là những ví dụ điển hình", ông cho biết.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa sẽ kéo dài một cách không xác định.
Ông Lê Viết Hải cho rằng ngành xây dựng 3 năm qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và biến động giá vật tư xây dựng... Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa, thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không thể đạt được", ông Hải cho biết.
Do đó, ông Hải đề xuất người dân và doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch, thay vì khẩu hiệu "Ở nhà là yêu nước" và "Thông điệp 5K" bằng "7K+3T".
Trong đó, 7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".
Ông Lê Viết Hải cho rằng "Công thức 7K + 3T" không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19.
Ngoài ra, theo lãnh đạo hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu cần dành nguồn lực tốt nhất để phục vụ công tác tiêm chủng.
"Tiêm vaccine cần một phương án để triển khai càng nhanh càng tốt, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay chỉ có đẩy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được 'mục tiêu kép'", ông nhấn mạnh.