Ngày 18/9, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 về việc áp dụng thẻ xanh Covid.
Theo văn bản này, chiều cùng ngày, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã họp thống nhất quan điểm để tham mưu UBND TP.HCM về thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên thí điểm thẻ xanh Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về chuyên môn y tế, thẻ xanh Covid-19 được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 (nhờ đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly).
Người có thẻ xanh sẽ ít nguy cơ mắc Covid-19 hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng nếu mắc bệnh. Tuy nhiên, thẻ xanh không đồng nghĩa với việc cá nhân đó không lây nhiễm cho người khác.
Sở Y tế đề xuất 2 điều kiện để có thẻ xanh Covid-19:
1. Chỉ cần tiêm ít nhất một mũi vaccine (đối với loại vaccine phải tiêm 2 mũi) và đã tiêm ít nhất 2 tuần.
2. Đã mắc Covid-19 và có giấy công nhận hoàn thành thời gian cách ly do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn cấp.
Cơ quan chức năng lưu ý người có thẻ xanh Covid-19 phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Tần suất tùy thuộc vào mức độ nguy cơ của lĩnh vực, ngành nghề.
Về hình thức, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ thẻ xanh Covid-19 và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông để tích hợp thẻ xanh này trên ứng dụng "Y tế HCM".
Điều này để tạo thuận lợi cho người dân khi cần khai báo đã tiêm vaccine và tích hợp kết quả xét nghiệm, khai báo y tế. Ứng dụng sẽ thể hiện rõ người dân đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vaccine. Khởi đầu, thẻ xanh này sẽ thí điểm trên địa bàn quận 7 để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.