Chiều 13/9, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Một trong những nội dung mới được quy định trong dự thảo là tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn, để tổ chức lao động cho phạm nhân.
Tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết nhiều ý kiến không tán thành quy định nói trên vì cho rằng cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân. Đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động.
"Hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam", bà Nga nói.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Quân Minh. |
Do đó, dự thảo luật cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự. Việc này cũng tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết một số ý kiến tán thành quy định này, vì sẽ tạo ra cơ chế cho các cơ sở giam giữ được tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngoài trại giam, trên cơ sở có sự đồng ý của phạm nhân.
Nhưng, loại ý kiến này cũng cho rằng quy định trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài cơ sở giam giữ là vấn đề mới, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự và sự an toàn trong công tác quản lý phạm nhân, nên cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng.
Góp ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần đánh giá lại lâu nay có xảy ra vấn đề gì không khi cho phạm nhân lao động bên ngoài trại giam. Theo ông, thực tế các phạn nhân được đưa đi lao động là nhờ có thái độ tích cực.
Có nhiều quy định ràng buộc
Giải trình, làm rõ thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định dự thảo luật quy định trại giam có thể phối hợp với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên địa bàn tổ chức lao động cho phạm nhân nhưng phải bảo đảm các quy định về giam giữ. Các chế độ chính sách đối với phạm nhân theo quy định và tuân thủ các quy định cụ thể ngay trong luật.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Bảo Lâm. |
Thượng tướng Tô Lâm lý giải các quy định nói trên rất chặt chẽ. Ông nhấn mạnh: "Các đồng chí lo ngại phạm nhân có trốn không, có bảo đảm an ninh trật tự không... Nhưng, phạm nhân lao động ngoài phải tuân thủ quy định về giam giữ cũng như quy trách nhiệm của trại giam".
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định việc thực hiện quyền lao động của phạm nhân, để giáo dục phạm nhân thời gian qua cũng đem lại hiệu quả tích cực.
Nhưng, việc tổ chức lao động thế nào thì thực tế đang khó khăn vướng mắc, vì trong nhà tù không gian chật chội, khó khăn dẫn đến thu nhập rất thấp. Do đó, vấn đề dự thảo đề cập cũng cần được nghiên cứu, nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện phù hợp.
Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến trong phiên thảo luận hôm nay để chỉnh sửa dự thảo, trình Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.