Chính sách này được áp dụng từ ngày 1/2 đến nay theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trước nhiều lợi ích mang lại, nhiều chuyên gia nhìn nhận chính sách vẫn còn cần thiết.
Giảm VAT ai cũng hưởng lợi
Có thể thấy từ người dân đến doanh nghiệp, tất cả đều được hưởng lợi từ chính sách này. Cụ thể trong 100 đồng tiêu dùng, mỗi người dân đã tiết kiệm được 2 đồng. Việc cùng một số tiền có thể mua được nhiều sản phẩm hơn khiến tâm lý tiêu dùng của cộng đồng ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong khi đó, với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế là giảm cả giá đầu vào lẫn đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết kiệm chi phí, có thêm vốn tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Mặt khác, khi giá đầu ra giảm, doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh quy mô kinh doanh.
Giảm thuế VAT mang lại đến lợi ích cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. |
Với chính quyền, giảm thuế VAT đồng nghĩa giảm nguồn thu ngân sách khoảng 50.000 tỷ đồng. Nhờ tác động tích cực từ chính sách này, kết hợp các biện pháp khác, nguồn thu ngân sách hiện dôi ra hơn 270.000 tỷ đồng, vượt con số hụt thu do giảm thuế VAT.
Chính sách này còn giúp giá cả hàng hóa dịch vụ tại Việt Nam không tăng quá cao; chỉ số lạm phát giữ được ở mức khá tốt so với nhiều quốc gia, góp phần ổn định an sinh xã hội; tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đề xuất tiếp tục thực hiện trong năm 2023
Vì những lợi ích trên, chính sách này được các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục duy trì, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế năm tới dự báo có nhiều khó khăn.
Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” vào tháng 9, chuyên gia kinh tế cho rằng những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn 2 năm qua đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với nguồn thu ngân sách Nhà nước được cải thiện nhờ sự phục hồi và đóng góp của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, những gói hỗ trợ này đã phát huy hiệu quả và vẫn còn cần thiết, nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp.
Từ báo cáo của Bộ Tài chính về việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 11 tháng qua trên tạp chí điện tử Thuế Nhà nước, chuyên gia tài chính đánh giá việc chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành, thực thi kịp thời đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Đơn cử trong đó là chính sách giảm 2% thuế VAT với những mặt hàng có thuế suất 10%. Giảm thuế VAT giúp giảm giá bán hàng hóa trên thị trường, qua đó thúc đẩy sức mua, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. Mặt khác, giảm thuế VAT làm giảm giá hàng hóa cũng như áp lực lạm phát.
Tại chương trình “Đối thoại đầu tuần” của Báo Đầu Tư vào tháng 11, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một trong những chính sách nên tiếp tục thực hiện trong năm tới là giảm thuế VAT 2%. Bởi doanh nghiệp, người dân nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn với những thách thức lớn trước mắt.
Trước tình hình đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính đã nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Ban này đề xuất xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19: Giảm 2% thuế VAT; giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ…