Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất thu phí trên đường cao tốc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc thu phí trên đường cao tốc giúp điều tiết phương tiện, tránh hiện tượng tham gia giao thông hỗn hợp làm ảnh hưởng công năng khai thác.

Thu phí cao tốc là một trong những nội dung đáng chú ý nằm trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên làm việc ngày 11/11.

Là người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dành nhiều thời gian để cung cấp cho các đại biểu Quốc hội về những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo luật này.

Quy hoạch 10.000 km đường cao tốc nên cần thu phí để đầu tư

Đề cập đến quy định mới thu phí đường cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Chính Phủ đã thảo luận và thống nhất trong dự thảo luật về nội dung này.

Tư lệnh ngành giao thông cho rằng việc thu phí trên tuyến đường cao tốc sẽ giúp điều tiết phương tiện giao thông. Khi đó, phương tiện nào cần đi nhanh mới đi trên đường cao tốc, còn không sẽ đi đường quốc lộ. Như vậy sẽ tránh hiện tượng tham gia giao thông hỗn hợp trên đường cao tốc, ảnh hưởng đến công năng khai thác.

thu phi tren duong cao toc anh 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất thu phí trên đường cao tốc để có tiền đầu tư. Ảnh: N.Thắng.

“Việc này đã được Thủ tướng giao cho Bộ GTVT, Bộ Tài Chính xây dựng phương án”, Bộ trưởng GTVT thông tin.

Ông Thể cho biết Chính phủ đã họp nhiều phiên, chuẩn bị báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để vừa quản lý, vừa điều tiết giao thông vào đường cao tốc. Việc này cũng giúp tạo nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường cao tốc trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn.

Bộ trưởng Thể cho hay theo quy hoạch, chúng ta có hơn 6.400 km đường cao tốc, nhưng thực tế đến 2023 mới đưa vào hoạt động 2.000 km.

“Việc quy hoạch 6.400 km cao tốc đã lạc hậu rồi, bởi tất cả địa phương muốn thu hút đầu tư cần phải có đường cao tốc để kết nối. Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, quy hoạch sắp tới có thể lên đến 10.000 km đường cao tốc”, ông Thể nói.

Do ngân sách vốn hạn hẹp, tư lệnh ngành giao thông cho rằng chủ trương của Chính phủ khi đưa vào luật quy định về thu phí trên đường cao tốc là nhằm có tiền đầu tư. “Đây là dịch vụ chất lượng cao, nhân dân có thể lựa chọn đường cao tốc hoặc quốc lộ”, ông Thể giải thích.

Nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc nối 2 điểm mà có đường quốc lộ song hành để người dân có quyền lựa chọn. Việc thu phí thực hiện tại trạm thu phí trên cao tốc với mức phù hợp với chất lượng dịch vụ và khả năng chi trả của người sử dụng.

Xe gây ô nhiễm sẽ bị thải loại

Đề cập quy định kiểm soát khí thải đối với ôtô, xe máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay rất nghiêm trọng, nhất là ở các đô thị lớn. Tác nhân gây ra ô nhiễm có rất nhiều, trong đó phần lớn liên quan đến phương tiện giao thông.

“Có trên 4 triệu ôtô định kỳ có kiểm định đang thực hiện tốt, tuy nhiên cả nước có trên 60 triệu xe môtô. Đây là loại phương tiện được xem là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường”, ông Thể nhận định.

thu phi tren duong cao toc anh 2

Những phương tiện không đáp ứng yêu cầu môi trường sẽ bị thải loại. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng với Luật khí thải, Chính phủ có chủ trương kiểm soát khí thải đối với xe môtô để có giải pháp cải tiến công nghệ, bảo vệ môi trường. Những phương tiện không đáp ứng yêu cầu môi trường sẽ bị thải loại.

Theo Bộ trưởng GTVT, quy định kiểm soát khí thải đối với môtô đã được một số nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan thực hiện. Ở Việt Nam, việc thực hiện sẽ có lộ trình và theo từng đối tượng.

Còn về quy định lắp camera cho xe kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói theo quy định, tất cả phương tiện kinh doanh liên quan đến tính mạng con người phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

“Xe kinh doanh vận tải cũng phải lắp camera giám sát để giám sát toàn bộ hoạt động của xe, bất kỳ tai nạn hay hoạt động mất an ninh, an toàn dữ liệu sẽ được camera lưu lại. Qua đó, sẽ quản lý được thời gian làm việc của lái xe và có giải pháp xử lý phù hợp khi xảy ra tai nạn”, Bộ trưởng GTVT giải thích.

Nhắc lại việc Bộ GTVT đã ban hành Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt, ông Thể nhấn mạnh những quy định trên sẽ được cụ thể hóa bằng luật để xử phạt nguội.

“Đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá. Khi phạt nguội, những hành vi vi phạm trên đường sẽ được hệ thống camera giám sát phát hiện để xử lý”, ông Thể nói.

'Chúng tôi không hiểu được việc tách Luật Giao thông đường bộ'

"Chúng tôi cũng cố gắng phân định để hiểu nhưng không hiểu được. Nói thật là chúng tôi rất băn khoăn trong việc tách phạm vi điều chỉnh", Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm