Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 05 của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 diễn ra vào ngày 5/1.
Về cơ bản, Chính phủ thống nhất với các nội dung như tiêu chí can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản... tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Tờ trình số 166. Tuy nhiên, một số nội dung khác đã được Chính phủ góp ý sửa đổi.
Đầu tiên, về thẩm quyền quy định phân loại nhóm nợ, xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định khoản vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, Chính phủ đưa đề xuất khác.
Trước đó, trong dự thảo mới nhất, NHNN đề xuất việc cho vay đặc biệt lãi suất 0% theo phương án cơ cấu lại sẽ do Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Thống đốc do đây là vấn đề chuyên ngành thuộc lĩnh vực của NHNN.
Trong bản dự thảo hồi tháng 4/2023, NHNN đưa đề xuất "cho vay đặc biệt" với nhà băng cần can thiệp sớm, lãi suất 0%/năm. Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, NHNN sẽ chỉ định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc một số tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.
Với nội dung về quyết định giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng cùng người có liên quan, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi theo hướng đảm bảo linh hoạt trong quản lý, điều hành cấp tín dụng. Lộ trình cụ thể nên được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, liên quan đến việc hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng có đề xuất điều chỉnh quy định về giảm giới hạn cho vay với một và một nhóm khách hàng tới năm 2028.
Cụ thể, quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm. Tỷ lệ này ở các tổ chức tín dụng phi ngân hàng lần lượt là 15% và 25%.
Điều này nhằm hạn chế tình trạng tập trung vốn vào nhóm doanh nghiệp sân sau trong khi nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp khác lại không được đáp ứng.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng góp ý kiến đề xuất NHNN nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, bảo đảm việc quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp và hoạt động tín dụng của các ngân hàng.
Chính phủ giao NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo văn bản ý kiến của Chính phủ đối với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần được phân tích sâu, thuyết phục, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh tiền tệ...
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này; giao Thống đốc NHNN thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký văn bản ý kiến của Chính phủ, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...