Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”.
Tham luận tại hội nghị, PGS Bùi Xuân Hồi (đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra một số đề xuất về chu kỳ tính giá và biểu giá bán lẻ.
Đề xuất thay đổi chu kỳ giá
PSG Bùi Xuân Hồi cho rằng biểu giá bán điện hiện tại có một số tồn tại như sự minh bạch trong tính toán chỉ tiêu giá bán lẻ bình quân và việc xác định thành phần lãi. Biểu giá bán lẻ hiện nay đang quy định 4 cấp điện áp. Sự sai khác giữa một bên là phân bổ chi phí và một bên là cơ cấu giá làm cho việc tính toán các mức giá chi tiết khó đảm bảo chính xác cần thiết.
Ngoài ra, sự phân biệt giá chưa được luận giải rõ ràng tính minh bạch cần thiết. Với biểu giá sinh hoạt bậc thang đang tính theo 6 bậc, được cho là quá nhiều trong quá trình đo đếm tính toán hóa đơn tiền điện.
“Có quá nhiều đối tượng áp giá và mức giá gây khó khăn cho các đơn vị khi áp giá để ký kết hợp đồng mua bán điện”, ông Hồi nhận định.
Đề xuất của nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa cho rằng cần thay đổi chu kỳ tính giá điện theo mùa. Ảnh: Huy Hải. |
Đề xuất cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện, ông Hồi đề xuất cần luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá, quy định kèm theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Vị này đề xuất tính chu kỳ giá theo phương án 6 tháng một lần.
Theo đó, thời điểm điều chỉnh sẽ lựa chọn theo mùa mưa và mùa khô đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá đề xuất sẽ là tháng 3 và tháng 9 hàng năm.
Ngoài ra, vẫn có những lúc điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Giải thích về căn cứ điều chỉnh theo thời gian, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng phù hợp về mặt pháp lý cấp điện áp danh định, đơn giản trong tính toán. Phương pháp giá cộng tới để phân bổ chi phí theo cấp điện áp từ đó có thể dẫn tới việc có tăng, có giảm giá như xăng dầu. Nguyên nhân bởi mùa khô và mùa mưa thì chi phí cung ứng điện khác nhau.
TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhấn mạnh với mùa mưa hoặc năm không hạn hán, thủy điện chiếm ưu thế thì sẽ có chi phí phát điện rẻ. Ngược lại, mùa khô hoặc những năm hạn hán, phải huy động nguồn nhiệt điện sẽ khiến chi phí cao hơn. Ông đồng tình với việc thay đổi chu kỳ tính giá 2 lần mỗi năm.
GS TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng cần phải thay đổi chu kỳ tính giá điện để tiệm cận theo cơ chế thị trường.
“Theo cơ chế thị trường thì giá điện thay đổi hàng ngày theo các biến động thị trường. Tuy nhiên, nếu thay đổi chu kỳ theo 2 mùa sẽ dung hòa được thị trường và việc điều hành mặt hàng thiết yếu của Chính phủ”, ông Long nói.
Ông Long cũng dẫn ví dụ ở Thái Lan, giá điện được thay đổi theo chu kỳ 3 lần mỗi năm, 4 tháng/lần.
“Cứ đến chu kỳ ấy, EVN báo cáo thay đổi giá, quản lý Nhà nước thông qua hoặc thông qua thì nên quy định thì thành luật. Cơ chế điều chỉnh giá theo đầu vào như thế nào, theo tỷ giá, hay thời điểm điều chỉnh giá có thể cho ý kiến thêm”, ông nói.
Đề xuất giảm số bậc tính giá điện
Về đề xuất cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra 3 phương án là 3-4-5 bậc so với 6 bậc hiện nay.
Với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu đề xuất các bậc: Dưới 100 kWh, 101-200 kWh, 201-400 kWh, 401-700 kWh và trên 700 kWh. Tương ứng, số hộ tiêu dùng các bậc thang mới là 32,7%, 35,4%, 20,6%, 4,36% và 2,74%.
Theo nhóm nghiên cứu, những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ trả chi phí chỉ bằng 93,54% thực tế. Hộ gia đình dùng bậc 2 sẽ trả giá bằng 98,7% chi phí thực tế. Với bậc 3-4-5, giá điện phải trả cao hơn chi phí lần lượt là 102,4%-108,85%-112,5%.
Biểu giá điện hiện nay được Bộ Công Thương ban hành. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Tuy nhiên, chỉ có bậc 1, người tiêu dùng phải trả dưới giá bình quân (chỉ bằng 95%). Còn lại các bậc khác trả giá cao hơn so với giá bán lẻ bình quân (113-155%).
Nhóm nghiên cứu cho rằng phương án 5 bậc này sẽ không tác động đến CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng (giảm nhẹ). Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đạt được tối đa.
Phương án 2 được đưa ra là 4 bậc: dưới 100 kWh, 101-300 kWh, 301-600 kWh và trên 600 kWh. Với phương án này, hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ phải trả bằng 95% giá bình quân. Với bậc 2-3-4, hộ gia đình phải trả giá cao hơn giá bình quân tương tứng là: 114%-135%-154%.
Phương án thứ ba được nhóm của Đại học Bách khoa đưa ra là thay đổi biểu giá 3 bậc: dưới 100 kWh, 101-400 kWh và trên 401 kWh. Với phương án này, hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng phải trả 95% giá bán lẻ bình quân. Với bậc 2 và 3, phải trả 115% và 152% so với giá bán lẻ bình quân.