Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, tăng tuổi nghỉ hưu thì lãnh đạo phải thôi giữ chức, như vậy Nhà nước mới xoá được tham quyền cố vị.

Phát biểu tại buổi tọa đàm đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngày 28/10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Bộ này dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh Luật Lao động. Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 60 lên 62, nữ giới từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi. 

Nhận định về việc điều chỉnh này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng muốn tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính toán trên nhiều phương diện như sức khoẻ của người lao động. Đồng thời, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; thị trường lao động...

Một trong những vấn đề thu hút nhiều người quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng hay không đến cơ hội việc làm cho lao động trẻ?

Theo ông Lợi, 6 tháng đầu năm nay, 191.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm. Chính phủ cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi hưu, cân đối thị trường lao động để tạo cơ hội cho lao động trẻ, lao động có chuyên môn. 

"Nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì người có năng lực, mới ra trường ngồi ở đâu? Chúng ta đang ở độ tuổi lao động sung sức song không để tình trạng chảy máu chất xám", ông Lợi nói.

tang tuoi nghi huu xoa tham quyen co vi anh 1
Dự kiến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 60 lên 62, nữ giới từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi. Ảnh DNSG. 

 

Cũng theo ông Lợi, việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải đi theo con đường kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo. Nếu như giám đốc doanh nghiệp, bệnh viện hay hiệu trưởng các trường học nếu có năng lực thì đến 60 tuổi có thể nghỉ làm lãnh đạo, nhưng vẫn tiếp tục làm việc như chuyên gia và hưởng lương chuyên gia cao cấp.

"Như vậy Nhà nước sẽ tận dụng được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa được việc “tham quyền cố vị”, ông Lợi khẳng định.

Tuy nhiên, vị này lại cho rằng không bàn đến tăng tuổi nghỉ hưu với các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, suy giảm khả năng lao động trong quá trình lao động. Chỉ nên bàn tăng đối với ngành nghề có cải thiện môi trường làm việc.

Đặc biệt, phải xem xét đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau, nâng bao nhiêu là hợp lý.

Hiện cả nước có 2,8 triệu công chức đang hưởng lương và 500.000 công chức hưởng lương quản lý, gây khó khăn cho ngân sách. Ông Lợi đề nghị chuyển đơn vị công sang tự hạch toán để giảm gánh nặng đóng bảo hiểm xã hội cho ngân sách. 

Liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ làm giảm cơ hội của lao động trẻ được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận thực tế nhiều người vào được công chức là nghiễm nhiên làm đến hết đời, mà không biết chất lượng công việc có tốt có đảm bảo hay không.

“Phải bỏ việc cứ vào công chức biên chế hiển nhiên là làm việc suốt đời, mà phải có quá trình đánh giá công việc trong 5 năm, 10 năm như một số nước khác. Nguyên tắc khu vực công chức có vào, có ra mới nâng cao được chất lượng, còn cứ ngồi mãi thì rất khó”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Ông Huân cho hay Quốc hội chưa bàn đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Nếu được Quốc hội thông qua thì có thể bắt đầu áp dụng sau năm 2020.

Người phát ngôn Chính phủ: Nâng tuổi hưu là xu thế tất yếu

Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng nâng tuổi hưu là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện.





Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm