Nghỉ Tết 9 ngày, giảm áp lực vận tải
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất phương án nghỉ Tết 9 ngày của Bộ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải Đinh La Thăng. Trong đó, thời gian làm bù nên chia đôi vào một ngày nghỉ cuối tuần trước Tết và một ngày nghỉ cuối tuần sau Tết. Như vậy, Tết âm lịch người dân sẽ nghỉ 9 ngày, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết.
Theo đề xuất của ngành giao thông, phương án nghỉ Tết 9 ngày đảm bảo cân đối nghỉ sau Tết không quá kéo dài, cũng như thời gian trước Tết được nghỉ sớm để người dân có thời gian chuẩn bị mua sắm cũng như tàu xe không bị dồn quá tải, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Tăng ngày nghỉ Tết được cho là giảm áp lực tàu xe bị tắc. |
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền cũng đồng ý phương án này, nhưng kiến nghị dù đề xuất nào cũng sẽ phải làm bù. Bà Chuyền cho rằng, nếu tận dụng hai ngày nghỉ của tuần trước Tết để làm bù sẽ khiến tuần làm việc kéo dài 8 ngày liên tục, không có ngày nghỉ thì không đúng quy định của Luật Lao động. Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đồng tình với phương án nghỉ Tết cân đối theo hướng nghỉ trước nhiều hơn vì nghỉ sau quá dài làm đình trệ sản xuất, giao thông phức tạp.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu, trong đó nêu: Nếu mở rộng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu thì số đối tượng thuộc diện điều chỉnh là 539 người gồm 180 cán bộ nữ cấp Trung ương và tỉnh/thành phố có hệ số phụ cấp lãnh đạo, quản lý từ 1,0 trở lên; 78 vụ trưởng và tương đương, 281 nữ giám đốc sở và tương đương; thời gian kéo dài tuổi lao động không quá 5 năm.
Xả lũ không đúng, chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm
Liên quan đến các công trình, dự án thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương kiểm tra lại và báo cáo cụ thể về an toàn hồ đập của 268 nhà máy thủy điện đang vận hành; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác trồng lại rừng, tái định cư các dự án thủy điện cũng như sớm xây dựng quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa; quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với 205 công trình thủy điện đang xây dựng và 348 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch.
Đối với việc tái định cư dân, Thủ tướng cho biết, bằng mọi cách phải làm cho được để người dân an cư lạc nghiệp, “nhìn thẳng vào sự việc để giải quyết, cái nào vượt quyền Chính phủ báo cáo xin Quốc hội. Về quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, kể cả trong mùa lũ và mùa khô, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT trực tiếp vào cuộc thẩm tra và chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm buộc địa phương thực hiện đúng. Phải chịu trách nhiệm theo ngành và theo lãnh thổ. Khi thủy điện xả lũ không đúng, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, chứ Bộ ở xa quản lý sao được”.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước không phải chờ công trình xây xong mới thẩm định mà phải thẩm định từ khi bắt đầu công trình. Vừa qua, từ công trình công suất 30 MW trở lên mới kiểm tra, quản lý là chưa ổn. Vì thế, Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm phối hợp kiểm tra. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải có đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng công trình nếu không khi có chuyện chẳng biết ai chịu trách nhiệm. Về thủy điện, liên bộ phải phối hợp rà soát lại rất chặt chẽ”.
Phải có chính sách đột phá cho nông nghiệp
Thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26), bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại chính. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn thì nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và tính đến các mô hình sản xuất lớn.
Thủ tướng chỉ đạo các ngành phải quyết liệt hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất NN mà bản chất phải giải quyết được lợi nhuận bình quân giữa các khâu.
Về việc áp dụng biến đổi gen, các bộ ngành cho rằng, nếu cấm sản xuất thì phải cấm cả nhập, còn nếu cho sử dụng thì phải cho cả trồng, cả nhập. Đề nghị Thủ tướng quyết định có cho sản xuất hay không, vì thực tế năng suất rất cao, trong khi đó chưa có kết luận khoa học tác động hiện tại có xấu đến sức khỏe người.
Thủ tướng cho rằng, đây là một giải pháp đột phá trong nông nghiệp, vì vậy các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu, như gạo mầm xuất khẩu đi Nhật (giá trị 3500 USD/tấn, so với gạo thường 400 USD/tấn) doanh thu vẫn cao, nông dân đỡ vất vả và việc bảo quản, thu mua đỡ khó khăn.