Ngày 6/9, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ hộ” trong 2 tuần (từ ngày 23/8 đến ngày 6/9) là hơn 1,9 triệu hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố.
Tính từ 23/8-6/9, các địa phương đã giải quyết được hơn 1,2 triệu đơn hàng “đi chợ hộ” cho người dân. Tuy nhiên, với sự tham gia bổ trợ cung ứng, vận chuyển hàng hóa của lực lượng shipper thì sau 7 ngày được hoạt động, với số lượng khoảng 10.000 shipper đã giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng cho người dân.
Trong đó ngày 5/9, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là hơn 96.000 hộ, tăng gần 18% so với hôm trước (tương đương tăng gần 14.700 hộ). Kết quả thực hiện, có hơn 103.000 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 107% số hộ đăng ký (trong đó có hơn 6.700 lượt đăng ký của những ngày trước được giải quyết).
Giải quyết được hơn 1,2 triệu đơn hàng "đi chợ hộ"
"Các khó khăn trong những ngày đầu triển khai chương trình (như việc chuyển chở thực phẩm từ các tỉnh khác về tập kết chậm do thủ tục, thiếu nhân sự trong khâu soạn hàng/giao hàng,...) đã dần được khắc phục. Tỷ lệ giải quyết đơn hàng kịp thời đạt bình quân 94,9% so với nhu cầu đăng ký", đại diện Sở cho hay.
Nhằm tiếp tục đảm bảo tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân được kịp thời Sở Công Thương đề xuất UBND TP nghiên cứu cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6-21h hàng ngày.
Đồng thời, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức từ 6-21 hàng ngày tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.
Hiện nay, vẫn còn một số cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm đang còn tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, Sở Công Thương đã nắm bắt thông tin để kịp thời điều phối nguồn hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu.
"Số lượng nhân viên soạn hàng và giao hàng của các siêu thị, cửa hàng còn ít, lực lượng tổ dân phố hỗ trợ chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến số đơn hàng hoàn thành giao cho các phường và người dân chưa cao", đại diện Sở cho hay.
Cụ thể, tỷ lệ đáp ứng đơn hàng của người dân tại một số địa phương đạt dưới 90% như: Huyện Bình Chánh (78,4%); Phú Nhuận (85,5%),... Phương thức “đi chợ hộ” mua theo combo cũng gây khó khăn cho người dân trong điều kiện người dân cần phải tính toán tiết kiệm chi tiêu, mua những thứ thật sự cần thiết.
Hiện nay tình trạng này cũng đã khắc phục một phần nhờ đội ngũ shipper giao hàng nhanh và theo nhu cầu từng mặt hàng.
Tăng số lượng shipper
Song song với phương thức “đi chợ hộ”, Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác như: Bán hàng lưu động, siêu thị 0 đồng, chợ "nghĩa tình"
Tại cuộc họp báo chiều 6/9, ông Phương cho hay việc mở lại chợ truyền thống,TP chưa có chủ trương, chỉ đạo về ngưng hoạt động chợ truyền thống và hệ thống phân phối. Theo đó, việc tạm ngưng hoạt động là để phục vụ công tác phòng chống dịch, các điểm bán này không đủ điều kiện, hoặc có ca F0 phải đóng cửa.
Các chợ đang hoạt động chủ yếu là chợ ngoại thành thành phố với số lượng rất ít. "Tối mai sẽ mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền giúp trung chuyển nguồn hàng từ các địa phương về TP đến các bếp ăn, siêu thị... chứ không phải mở lại chở. Theo đó, các xe tải lớn chở đến chợ sẽ được chuyển qua xe nhỏ và chở đến các điểm phân phối. Điểm trung chuyển này sẽ không thực hiện mua bán, sơ chế", ông Phương cho biết.
Ông cho biết trong 15 ngày siết chặt giãn cách xã hội, việc cung ứng hàng hóa đã diễn ra ổn định, nền nếp và tốt hơn những ngày trước, các phương án cung ứng hàng cũng phong phú thêm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân.
Trước đó từ 23/8 đến hết 6/9, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP.HCM được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ". Tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân (có trả tiền).
Hiện việc cung ứng hàng hóa cho người dân được thực hiện theo phương thức “đi chợ hộ”, với tần suất 1-2 lần/tuần. Người dân có nhu cầu, đăng ký cho Tổ hậu cần của phường/xã tổng hợp (theo combo), chuyển đến hệ thống phân phối. Sau khi nhận hàng từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi/bình ổn, lực lượng này sẽ chuyển hàng trực tiếp đến từng hộ gia đình.
Phương thức đặt hàng linh hoạt: phát phiếu trực tiếp đến hộ gia đình; điện thoại, nhắn tin đặt hàng qua hotline, group Zalo,… đến các đường link ứng dụng mua hàng trực tuyến.
Hiện Sở đã có chủ trương cho phép các ứng dụng giao hàng tăng thêm số lượng shipper tối đa 1.000 người. Shipper chỉ được di chuyển nội quận và phải xét nghiệm 1 ngày/lần (với vùng đỏ) hoặc 2 ngày/lần (với các vùng còn lại).
Guồng quay 15 ngày 'đi chợ hộ' ở TP.HCM
Nửa tháng "ai ở đâu ở yên đó" cũng là 15 ngày người dân TP.HCM loay hoay với "đi chợ hộ". Có ngày một chuỗi siêu thị nhận tới 40.000 đơn hàng nhưng chỉ giao được 2.000 đơn.
Chợ Bình Điền sẽ trung chuyển 150 tấn hàng về TP.HCM mỗi ngày
Dự kiến từ ngày 7/9, khoảng sân giữa 2 nhà lồng chợ Bình Điền sẽ làm khu tập kết, trung chuyển hàng cho các ngành hàng thủy hải sản, rau củ quả, heo, gà và trái cây…
'Đi chợ hộ' vẫn chậm, siêu thị than khó tìm shipper
Nhiều người dân cho biết tình trạng đi chợ hộ vẫn chậm, đợi 3-5 ngày thậm chí lâu hơn mới nhận được hàng. Trong khi đó, siêu thị mở lại kênh online nhưng vẫn khó tìm được shipper.