Sở GTVT Hà Nội khẳng định, sẽ kiểm tra và có hình thức xử lý chủ công trường có “lô cốt” gây cản trở giao thông.
“Lô cốt” chiếm 2/3 lòng đường
Giờ cao điểm sáng qua, các tuyến giao thông huyết mạnh như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy… tiếp tục rơi vào tình trạng tắc cứng. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần đến nay giao thông trên các tuyến đường này vào giờ cao điểm gần như tê liệt.
Thời điểm hơn 8h sáng 9/9, tại các nút giao thông như Thanh Xuân (Nguyễn Trãi), cầu vượt Láng Hạ (Lê Văn Lương), Cầu Giấy - Chùa Hà, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng… người tham gia giao thông bị chôn chân hàng giờ. Trong các điểm bị ùn tắc, chúng tôi ghi nhận nhiều chủ phương tiện đèo theo em nhỏ mặc đồng phục sinh cố gắng len lỏi để đưa con đến trường kịp giờ vào lớp nhưng phương tiện không thể nào di chuyển.
Chiều qua Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội (quản lý địa bàn Thanh Xuân, Hà Đông) cho biết, mấu chốt ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi những ngày qua là do quá nhiều “lô cốt” công trường trên đường. Hơn nữa các công trường này lại quây rào trên diện rộng làm lòng đường bị thu hẹp, gây ùn tắc.
“Trên toàn tuyến Nguyễn Trãi đi Hà Đông có gần 10 công trường thuộc dự án đường sắt trên cao và hầm chui Thanh Xuân, hàng rào thi công có công trường chiếm 2/3 lòng đường và trải dài 400 đến 500 mét”, ông Ninh nói.
Ùn tắc như “nêm” trên đường Nguyễn Trãi đoạn qua công trường hầm chui Thanh Xuân. |
Theo ông Ninh, nhiều “lô cốt” đã quây dài như thế nhưng thi công rất chậm chạp. Từ thực tế ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương những ngày qua, ông Ninh cho rằng, với những công trường hàng rào thi công chỉ kéo dài khoảng 100 mét thì phương tiện đi qua “nút thắt” chỉ bị chậm từ 1 đến 3 phút, nhưng với những hàng rào từ 400 đến 500 thì thời gian sẽ là 15 đến 30 phút.
“Giờ cao điểm các dòng phương tiện ùn ùn nối tiếp nhau như thế nếu bị “khựng” lại từ 15 - 30 phút thì việc ùn ứ cả kilômét là điều khó tránh khỏi” ông Ninh nói.
Mác công trình quốc gia: Cứ xin là cấp phép
Ông Ninh cho biết, trong chiều 9/9 Đội CSGT số 7 đã làm văn bản gửi Sở GTVT đề xuất rút giấy phép những công trường có hàng rào thi công dài trên 400 mét, đặc biệt là với những công trường quây rào rồi để đó.
Theo ông Ninh, hiện hàng rào công trường hầm chui tại nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến) do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco4 (Bộ GTVT) thi công đang có hàng rào trên 400 mét.
Theo ông Ninh, hàng rào này là nguyên nhân chính gây ùn tắc kéo dài trên đường Nguyễn Trãi những ngày qua, do vậy và cần thiết phải rút giấy phép thi công. Sau khi rút giấy phép, Sở GTVT rà soát lại và chỉ cấp phép cho từ hạng mục theo tiến độ và phải thi công dạng cuốn chiều chứ không làm đại trà như hiện nay.
Với các nhà ga thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, Đội CSGT số 7 đề xuất, Sở GTVT cũng phải rà soát, nếu công trường nào chậm hoặc chưa thi công thì cũng cần rút giấy phép để phục vụ người tham gia giao thông.
“Việc cấp phép thi công của Sở GTVT Hà Nội hiện nay là thiếu thực tế, không hình dung được lưu lượng tham gia trên đường hiện nay. Dự án cứ gắn mác công trình quốc gia là Sở GTVT cấp phép” - Ông Ninh nói.