Nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, nhiều tài xế đã sử dụng chiêu trò biến hóa biển số xe để tránh bị camera giao thông ghi nhận các lỗi vi phạm và né phạt nguội.
Ngoài những hình thức che số thủ công như dán băng dính hay che biển, nhiều chủ xe còn sử dụng các bộ lật biển số được điều khiển hoàn toàn tự động. Những bộ thiết bị này được bày bán phổ biến trên các diễn đàn, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Trao đổi với Zing, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết hành vi che, dán biển số không phải là vi phạm mới tại Việt Nam. Mục đích của hành động này nhằm tránh việc các camera ghi nhận lỗi vi phạm để phạt nguội.
Có giải pháp để không "phạt oan"
Bên cạnh cách che biển số thủ công như dùng băng dán, thời gian gần nhiều thiết bị chuyên dụng có khả năng điều khiển từ xa để che, lật thay đổi biển số được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử như Shopee hay AliExpress.
Thiết bị có thể lật biển số có remote điều khiển với phạm vi hoạt động 50 m. Một bộ lật biển số bao gồm 2 khung gắn biển số phía trước và sau (gồm một hoặc cả 2 là biển số giả). Đi kèm với đó là hệ thống dây điện để cấp nguồn cho motor xoay hoạt động.
Bộ lật thay đổi biển số có giá bán khoảng 5 triệu đồng. Ảnh: Cắt từ clip mạng xã hội. |
Trong khi đó, các thiết bị che biển số được gọi với cái tên "bảo vệ biển số khỏi bụi bẩn", đi kèm giá bán 3-4 triệu đồng. Thiết bị này che một phần hoặc toàn bộ biển số.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), đánh giá việc che, lấp biển số xe là hành vi cố ý không chấp hành các quy định trật tự an toàn giao thông. Cục CSGT đã yêu cầu phòng CSGT các địa phương tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng này.
Hiện nay, Cục CSGT đã có biện pháp trước mắt để tìm ra chủ phương tiện vi phạm dựa trên hệ thống camera giám sát và cơ sở dữ liệu đăng ký xe. Nếu đầu ra biển số bị che, CSGT sẽ kiểm tra đầu vào để xác định xe và truy ra chủ phương tiện.
Đại diện Cục CSGT đánh giá hành vi che biển số không thuộc nhóm trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng là khởi nguồn của rất nhiều hành vi gây thiệt hại cho chủ xe biển thật và cơ quan quản lý nên cần xử lý nặng.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất tăng nặng mức phạt kèm các hình thức phạt bổ sung như tước bằng lái, tạm giữ phương tiện… để tăng tính răn đe”, đại diện Cục CSGT nói.
Đối với các trường hợp chủ xe biển thật nhận được thông báo phạt nguội do xe khác dán, che biển, CSGT khuyến cáo cần người dân bình tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng, cung cấp giấy tờ liên quan. CSGT sẽ xác minh thông qua hệ thống đăng ký xe và camera giám sát để đối chiếu, tuyệt đối không để xảy ra phạt "oan".
Nghiên cứu biển số mới không thể che, dán
Nghị định 123 mới đây của Chính phủ đã tăng nặng mức phạt đối với nhiều vi phạm liên quan đến biển số.
Cụ thể, đối với hành vi sử dụng thiết bị che, lật biển số, đầu tiên CSGT sẽ xác minh trên xe ngoài thiết bị che, lật biển số thì có được gắn thêm biển số giả hay không. Sau khi xác minh, 2 chủ thể sẽ bị xem xét trách nhiệm xử lý là tài xế và chủ xe.
Tài xế ôtô sẽ bị phạt hành chính 4-6 triệu đồng nếu sử dụng thiết bị che biển số hoặc sử dụng thiết bị lật biển số kèm theo biển số giả, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp... Trường hợp tài xế sử dụng thiết bị lật kèm biển số giả sẽ bị phạt bổ sung tước bằng lái 1-3 tháng và tịch thu biển số vi phạm.
Ngoài ra, chủ ôtô nếu không phải là tài xế sẽ bị phạt 6-8 triệu đối với cá nhân và 12-16 triệu đối với tổ chức theo quy định tại Điểm i, Khoản 9, Điều 30 Nghị định 123. Hình phạt bổ sung đối với chủ phương tiện là tịch thu biển số giả mạo và thiết bị thay đổi biển số.
Hành vi che mờ biển số, thay đổi số trên ôtô sẽ bị phạt tiền đến 6 triệu đồng. Ảnh: Đình Kiên. |
Đối với hành vi buôn bán thiết bị vi phạm, để xử lý cần phân tích rõ về mức độ và tính chất của vi phạm. Hành vi buôn bán thiết bị che, lật biển số có kèm biển số giả, Nghị định 123 quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân, 20-24 triệu đồng đối với tổ chức.
Hành vi sản xuất thiết bị che, lật kèm với biển số giả sẽ bị phạt tiền 30-35 triệu đồng đối với cá nhân và 60-70 triệu đồng đối với tổ chức.
Trao đổi với Zing về giải pháp lâu dài cho tình trạng này, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho hay cơ quan này đang nghiên cứu loại biển số xe mới với mục tiêu chuẩn hóa bằng kỹ thuật. Các thử nghiệm được thực hiện qua nhiều điều kiện ánh sáng, vật lý, thông qua hệ thống camera giám sát, mắt người… từ đó tạo nên một tiêu chuẩn để chuẩn hóa trong sản xuất.
Đặc biệt là cỡ chữ và phông chữ sẽ được nghiên cứu để khắc phục tình trạng một số tài xế dán biển số như số 3 thêm nét thành số 8, số 1 dán thành số 4… "Chắc chắn tới đây, phông chữ trên biển số sẽ rất khó dán hoặc nếu dán vào sẽ nhìn ra ngay", ông Bình nói.