Sau bài viết "Giám đốc bỏ việc, mất cả tuần đi xử lý phạt nguội oan" được đăng tải trên VietNamNet, đã khiến rất nhiều người bức xúc bởi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, thời gian cho chủ xe bị mạo danh mà biển giả, biển sai lệch số còn khiến nhiều người lo lắng tội phạm, người say rượu lái xe tai nạn sẽ dễ dàng qua mặt cơ quan điều tra.
Bất lực tìm kiếm Ford Ranger đâm người bỏ chạy vì xe gắn biển giả
Ngày 3/7, anh Dương Đức Anh (Hà Nội) phải lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ của người dân tình cờ đi ôtô ngang qua cổng Trung tâm hội nghị Quốc gia, hướng đi Đại lộ Thăng Long có camera hành trình, nhờ trích xuất video tìm tài xế Ford Ranger gây tai nạn với người thân nhưng đã bỏ chạy.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20h17 ngày 2/7. Theo anh Đức Anh, thời điểm này người nhà chẳng may gặp va chạm giao thông và đang chờ xe cấp cứu thì bị chiếc bán tải Ford Ranger biển số 29H-558.81 đâm phải khiến thương tích nặng hơn. Tuy nhiên, ngay sau va chạm, tài xế Ford Ranger đã lái xe bỏ chạy.
Chiếc Ford Ranger nghi gây tai nạn tối 2/7 (khoanh đỏ) đeo biển số của chiếc Mitsubishi Triton GLS 2009. Ảnh: Đức Anh. |
Ngay sau lời kêu gọi của anh Đức Anh cùng bức ảnh biển số xe Ford Ranger do người đi đường chụp được, một cuộc tìm kiếm trên mạng xã hội đã diễn ra và có nhiều thông tin hỗn loạn xoay quanh chủ nhân chiếc xe này.
Một số người cho rằng các chữ số trên biển 29H-558.81 không được tự nhiên, có dấu hiệu tẩy xóa hoặc tô vẽ thêm. Thậm chí, có người dùng mạng đã tìm ra được một chiếc bán tải Mitsubishi Triton cũng đeo biển số như vậy.
Tuy nhiên, anh Đức Anh cho biết đến nay vẫn chưa thể liên hệ được với người lái xe Ford Ranger dù nhiều người nhiệt tình cung cấp manh mối.
Qua tìm hiểu của PV VietNamNet từ cơ quan đăng kiểm, biển số 29H-558.81 gắn trên chiếc Ford Ranger gây tai nạn thực tế lại chính là biển số của xe Mitsubishi Triton GLS đời 2009 như người dùng mạng phản ánh.
Chiếc xe này đăng ký lần đầu vào tháng 9/2010 và mới sang tên đổi chủ vào tháng 12/2021. Như vậy, biển số mà chiếc Ford Ranger đeo trong vụ tai nạn ngày 2/7 có dấu hiệu giả mạo, khiến việc truy tìm khó khăn.
Trước tình huống này, nhiều người dùng xe đều khuyên anh Đức Anh nên tường trình đến cơ quan công an để có cuộc điều tra chính thức về xe gây tai nạn đeo biển số giả.
Cần xử lý mạnh tay với hành vi đeo biển giả, làm sai lệch biển số
Tương tự trường hợp anh Cao Xuân Trường (Hải Hậu, Nam Định) mất cả tuần nghỉ việc để đi "minh oan" cho việc bị phạt nguội tới 4 lần, gia đình anh Đức Anh cũng vất vả tìm người gây tai nạn. Hành động này chẳng khác nào "mò kim đáy bể" bởi họ chỉ là người dân thường, không có nghiệp vụ cũng như phương tiện, quyền hạn điều tra.
Trong khi đó, chế tài xử phạt cho hành vi dùng biển giả, làm sai lệch biển số hiện nay theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, với mức phạt tối đa 6 triệu đồng, được cho là thấp hơn so với các lỗi vi phạm giao thông khác.
Anh Phạm Thành Lê, Admin Cộng đồng Otofun, cho rằng một trong những lý do khiến nhiều người sẵn sàng làm sai lệch biển số là số tiền 6 triệu đồng quá thấp nếu so với mức phạt 12 triệu đồng cho hành vi chạy quá tốc độ hay tới 18 triệu đồng cho hành vi đi lùi, ngược chiều trên cao tốc. Chính vì thế, anh đề nghị cần có những hình thức phạt bổ sung để ngăn ngừa người cố tình làm sai lệch biển số.
"Về nguyên tắc, biển số là tài liệu phục vụ việc quản lý của cơ quan Nhà nước nên chăng nếu có người cố tình đeo biển giả thì cần đề nghị áp dụng Khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chứ không chỉ dừng ở điều khoản phạt vi phạm luật giao thông đường bộ. Nếu áp dụng khung hình sự, người vi phạm có thể bị phạt số tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, kèm phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Khi đó mới đủ sức răn đe cho người có ý định gắn biển số giả", anh Lê nói.
Hình chụp xe Honda CR-V dùng biển giả trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai bị phạt nguội (khoanh đỏ) và hình chụp của xe biển thật đang ở Nam Định. Ảnh: Xuân Trường. |
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “So với Nghị định 100 trước đó thì Nghị định 123/2021/NĐ - CP đã tăng mức xử phạt đối với hành vi như tẩy xóa, che BKS… lên tối đa là 6 triệu đồng đối với ôtô. Tuy nhiên, mức xử phạt như vậy vẫn còn khá thấp nếu so với các lỗi phổ biến khác, đang ở mức tương đương hoặc cao hơn gấp vài lần.”
Luật sư Dương Đức Thắng nhận định việc các đối tượng sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất… không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về trật tự, an ninh. Họ dùng biển số giả để làm việc phạm pháp khiến người đi xe biển thật sẽ bị vạ lây, buộc phải chứng minh mình "vô tội" với cơ quan chức năng.
Do vậy, vị luật sư này đề xuất cần tăng nặng mức xử phạt, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự đối với những hành vi cố tình sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất… khi tham gia giao thông.