Tại phiên họp thứ 23 sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về tờ trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Nội dung này đang được xem xét để trình Quốc hội đưa vào chương trình luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 5.
Quy định điều kiện để được Nhà nước công nhận là người chuyển giới
Trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết sau khi tiếp thu ý kiến từ phiên họp hồi tháng 4, ông nhận thấy cần điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính.
Việc đổi tên luật nhằm phản ánh chính xác phạm vi, bản chất đối tượng điều chỉnh của đề nghị xây dựng luật. Cùng với đó, hồ sơ dự thảo luật đã được điều chỉnh cơ bản ở 4 nhóm vấn đề, thay đổi khoảng 60% so với hồ sơ cũ.
Theo đó, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành hai dạng giới nam và nữ.
Theo ông Trí, nếu xét theo khái niệm bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề "chưa chín", còn tranh cãi nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này và chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình đề nghị xây dựng hồ sơ Luật Chuyển đổi giới tính, sáng 12/5. Ảnh: Phạm Thắng. |
Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, hồ sơ đề nghị xây dựng luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ hai lần xuống chỉ còn một lần trong cuộc đời.
"Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành", ông Trí nói.
Cũng theo ông, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.
Dự thảo đồng thời quy định việc cơ sở khám chữa bệnh thành lập Hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Trong đó, cơ sở này có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân.
Nhiều nội dung cần làm rõ
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.
Đồng thời, đại biểu cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.
Về quy định công nhận giới tính mới áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật, Ủy ban Pháp luật cho rằng ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hoóc-môn hoặc có mức độ can thiệp y học khác.
Do đó, cơ quan này đề nghị đại biểu nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam chưa có chính sách cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện chuyển đổi giới tính.
Vì vậy theo Ủy ban Pháp luật, việc đề xuất giải pháp công nhận kết quả đã thực hiện chuyển đổi giới tính của các cơ sở này cần được làm rõ, quy định phù hợp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến tờ trình hồ sơ xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ vừa có hai văn bản cho ý kiến vào hồ sơ xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí.
Cụ thể, Chính phủ so sánh hai bản đề cương chi tiết do Bộ Y tế soạn thảo từ năm 2016 và của đại biểu vừa trình, nhận thấy có nhiều nội dung khớp nhau.
Trong khi đó, Chính phủ cho biết đã giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, còn lại tập trung nguồn lực để sửa đổi những luật cấp bách hơn.
Vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết theo ý kiến của Chính phủ, các cơ quan sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, đề cương của Bộ Y tế cho đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, ủng hộ đại biểu làm; đồng thời đề nghị các bộ ngành liên quan hỗ trợ.
Ông Định cũng dẫn thông tin của Bộ Y tế cho biết hiện chưa thể thống kê số người ở Việt Nam có nguyện vọng chuyển đổi giới tính nhưng tỷ lệ này trên thế giới là 0,3-0,5%.
"Nếu tính theo tỷ lệ trên, Việt Nam hiện có 300.000-500.000 người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính. Nếu Luật tác động đến số người này thì không phải lớn", Phó chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh theo Bộ Ngoại giao, các quy định của luật cũng không vướng so với công ước quốc tế.
Sau khi đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ phiếu ngay tại phiên họp, ông Định cho biết có 12/14 phiếu đồng ý trình Quốc hội đưa hồ sơ Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình luật, pháp lệnh trong kỳ họp tới.
Với những ý kiến và nội dung còn băn khoăn ví dụ như định nghĩa về chuyển đổi giới tính, ông Định đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp cùng Ủy ban Xã hội tiếp tục tổng hợp và đại biểu làm rõ thêm.
Theo ông, nếu Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình, tờ trình Luật Chuyển đổi giới tính có thể trình vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.