Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch viurs corona đến kinh tế - xã hội Việt Nam tính đến ngày 12/2. Báo cáo này cập nhật thêm so với ngày 5/2 (họp Chính phủ thường kỳ).
Bộ KHĐT cho biết đã liên tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, chạy mô mình để đưa ra dự báo sát nhất với tình hình nhất. Từ đó, đưa ra dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Có cơ hội trong dịch bệnh
Theo Bộ KHĐT, dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới. Ngoài ra làm đình trệ sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.
“Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ”, cơ quan này nhận định.
Lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên Bộ KHĐT đưa ra nhiều cái nhìn lạc quan. Nếu khống chế được dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi lợn hồi phục thì mức tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ tăng cao đặc biệt trong quý III và quý IV.
Nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch virus corona. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, hiệp định EVFTA được thông qua và sớm có hiệu lực thì hầu hết sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU được hưởng ưu đãi thuế quan. Từ đó, thúc đẩy sản xuất trong nước do tăng cầu từ thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản và gỗ.
Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện tại, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất, và cả thị trường tiêu thụ. Bộ KHĐT lo ngại đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhìn chung chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Về đầu tư, Bộ KHĐT nhận định dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực nên hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Kịch bản tăng trưởng dựa vào thời gian khống chế dịch
Khách quốc tế đến Việt Nam cũng giảm. Với các biện pháp hạn chế đi lại thì không có khách Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn có dịch. Ước tính số lượng khách quốc tế ngoài Trung Quốc cũng giảm khoảng 50-60%.
Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch đã hủy toàn bộ. Vận tải đường bộ và đường sắt, xe bus, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm.
Các cơ sở lưu trú, du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy tour, hủy đặt phòng. Hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người. Tuy nhiên, Bộ KHĐT nhận định hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động như giáo dục trực tuyến, giao nhận có thể gia tăng.
Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong quý đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II thì ước tính quý II đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Từ các ảnh hưởng nêu trên, Bộ KHĐT nhận định trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng GDP cả năm dự báo là 6,25% giảm 0,55% so với mục tiêu của Chính phủ. Trong đó quý I, dự báo tăng trưởng đạt 4,52%; quý II tăng 6,08%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84% so với mục tiêu và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I.
Như vậy, mức tăng trưởng kinh tế của năm nay phụ thuộc lớn vào việc khống chế dịch sớm hay muộn.
Nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ
Bộ KHĐT cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch.
Cơ quan này đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2.
Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu…
Cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch…
Bộ KHĐT đề xuất có các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.
Về lâu dài, Bộ KHĐT đề xuất cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.