Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất mô hình bí thư kiêm chủ tịch ở đặc khu kinh tế

Mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế nhận được nhiều ý kiến đồng tình trong quá trình lấy ý kiến các địa phương.

Chiều 23/4, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Lần lượt 3 địa phương có các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết tổ soạn thảo đề xuất hai phương án nhân sự lãnh đạo cho loại hình đơn vị này gồm: Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND đặc khu, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh.

"Nếu bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu thì bố trí một phó bí thư kiêm phó chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị", ông Mai Văn Chính nói.

Chinh quyen dac khu anh 1
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Lâm.

Đồng tình phương án trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đánh giá nếu bí thư không đồng thời là chủ tịch UBND thì vẫn như cũ, không có gì đặc biệt.

Ông đồng thời đề nghị trong hai phó bí thư đặc khu thì một người là phó chủ tịch tổ chức an sinh xã hội, một là chủ tịch HĐND kiêm phụ trách công tác tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang cũng ủng hộ phương án bí thư kiêm chủ tịch UBND đặc khu; một phó bí thư nên là chủ tịch HĐND.

Bên cạnh đó, khi lập đặc khu, cán bộ công chức chắc chắn phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn nên sẽ dôi ra nhiều. “Tỉnh tôi dôi ra gần 200 cán bộ cấp huyện, xã. Vì vậy, tôi đề nghị thống nhất chính sách chung cho cán bộ dôi dư ở 3 đặc khu, tránh tình trạng anh em tâm tư, chính quyền chỗ giàu, chỗ nghèo”, ông Quang nói.

Ngoài ra, ông đề nghị Chính phủ có chính sách giải quyết việc đào tạo cán bộ có chất lượng cao hơn bổ sung cho các đặc khu, bởi tính sơ bộ giai đoạn đầu tỉnh cần thêm 70-80 người đủ năng lực, có kiến thức.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh những việc gì rõ, cần thực hiện sớm thì phải làm ngay. Những việc mới, chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội. Những việc còn ý kiến khác nhau thì tiếp tục trao đổi, bàn bạc thống nhất. 

“Mô hình nào tích cực hơn thì ta chọn, chọn cái tốt nhất trong những cái tốt”, ông lưu ý.

Về xây dựng tổ chức chính quyền, ông Chính cho rằng vẫn tổ chức HĐND và UBND nhưng đổi mới về cơ bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Nguyên tắc là không để trống quyền lực, vì vậy cần nghiên cứu và chuẩn bị đề xuất để thực hiện theo hướng Đảng bộ chính quyền cũ phải tổ chức bầu được Đảng bộ chính quyền mới theo luật Nhà nước và quy định của Đảng. Chuyển giao một cách êm thấm, không có xáo trộn”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.

Cũng theo ông, cần đồng thời tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để luật ban hành là triển khai được ngay. Việc bố trí cán bộ không khép kín, không nhất thiết là cán bộ Trung ương về hay chỉ có cán bộ tại địa phương.

"Chúng ta dựa vào tiêu chuẩn, tiêu chí cơ cấu lại xác định vị trí việc làm, khung năng lực, trên cơ sở đó bố trí cán bộ, thừa - thiếu thế nào thì điều chỉnh cho phù hợp. Hết sức linh hoạt trong công tác cán bộ, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Cơ cấu lại, đúng vị trí việc làm và tinh giản biên chế”, ông Chính nhấn mạnh.

Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào ngày 21/5.

Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đặc khu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) do ông trực tiếp làm trưởng ban.

Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm