Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra một số ý kiến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông, về định hướng chung, cần phải khoanh vùng dịch bệnh và thích ứng với sự tồn tại của Covid-19, đi đôi với phục hồi nền kinh tế.
Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn, không phân biệt là doanh nghiệp nào.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở trên các lĩnh vực khác nhau; cần phát huy các động lực của các trụ cột của tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ông Tuấn mong muốn Chính phủ cho phép người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể tham gia hoạt động sản xuất và các hoạt động xã hội khác.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang trên bờ vực phá sản khi phải gánh quá nhiều chi phí. Ảnh: Duy Hiệu. |
Miễn giảm thuế, phí, cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp
Đối với giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, PGS TS Bùi Quang Tuấn cho rằng cần hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp; ưu đãi về tín dụng ngân hàng; cho phép doanh nghiệp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, hoãn các nghĩa vụ đóng góp về bảo hiểm, công đoàn và các nghĩa vụ khác.
Hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo hướng áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Rà soát để có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch khi mở cửa có kiểm soát, coi đó như là những đột phá để phục hồi hoạt động kinh tế trong bối cảnh chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đề xuất nên cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 24 tháng, miễn, giảm thuế mạnh mẽ cho các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện và phục hồi lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn về lao động và chuyên gia; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và hỗ trợ kịp thời.
Vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm nay thấp hơn so với năm 2019 và không vượt quá 200 tỷ đồng. Ảnh: Nam Khánh. |
Đối với giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận do kinh tế suy thoái và lãi suất thấp nên mức lạm phát Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại, tuy nhiên rủi ro thì vẫn hiện hữu. Chính vì vậy, cần phối hợp hữu hiệu chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Trong khi đó, tác động tích cực của bệnh dịch là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, do vậy cần tận dụng và thúc đẩy quá trình này. Cần nghiên cứu xây dựng, thực hiện nhóm giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử.
Rà soát khung pháp lý, chính sách hiện hành có liên quan đến chuyển đổi số và các định hướng trong Chiến lược chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, xác định những bất hợp lý trên các phương diện khác nhau để có thể hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến chuyển đổi số.
Ban hành gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp
Cũng theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp là ban hành gói hỗ trợ mới.
Gói này gồm gia hạn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp; thực hiện miễn, giảm thuế, các nghĩa vụ đóng góp; cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế trong đó có thuế VAT ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và có tầm quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Bên cạnh đó, tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển; bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đối với ngành du lịch, khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế theo cách nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đề xuất triển khai chính sách “hộ chiếu vaccine” để thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…
“Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng áp dụng chế độ chứng nhận miễn dịch y tế để đón tiếp, phục vụ các đối tượng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao thương quốc tế như du lịch, hàng không, thương mại, ngoại giao, giáo dục, xuất khẩu lao động”, ông Tuấn cho biết.
Đồng thời, duy trì và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình đón tiếp phục vụ, kiểm dịch y tế, hàng không, biên phòng, an ninh cửa khẩu, hải quan, du lịch, cơ sở lưu trú; chủ động trong hợp tác quốc tế trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí và điều kiện kỹ thuật chấp nhận các hình thức xác nhận miễn dịch Covid-19 trong hoạt động giao thương quốc tế.